Shared tại https://www.facebook.com/notes/huyen-chip/những-thói-quen-nên-tránh-khi-giao-tiếp-với-người-nước-ngoài/1405704382879265/
Mình không nói những thói quen này là xấu. Tuy nhiên, khác biệt về văn hoá sẽ khiến cho một số người nước ngoài cảm thấy khó xử, thậm chí là có ấn tượng không tốt khi phải đối mặt với những thói quen này.
Hỏi chuyện cá nhân
Một trong những điều mình nghe người nước ngoài phàn nàn nhiều nhất là người Việt Nam mình có vẻ không biết tôn trọng sự riêng tư cá nhân của người khác. Những điều mà họ coi là cá nhân bao gồm tuổi tác, cân nặng, xu hướng tình dục (là đồng tính hay không ý), tình trạng hôn nhân, thu nhập, kế hoạch có con hay không. Những câu hỏi mà mình coi là bình thường như “Bạn bao nhiêu tuổi?”, “Bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ có con?”, … có thể bị coi là hết sức vô duyên với người nước ngoài.
Mình có hỏi một số bạn nước ngoài rằng tại sao họ thấy vô duyên, họ hỏi lại là tại sao mình lại muốn biết những chuyện đó. Mối quan hệ của họ với mình có khác đi gì không nếu mình biết họ bao nhiêu tuổi, muốn lập gia đình hay không, đồng tính hay không đồng tính? Rõ ràng là không (chuyện tuổi tác có thể quan trọng khi bạn nói tiếng Việt và cần biết tuổi để tiện xưng hô, nhưng khi nói tiếng Anh thì “I”, “you” không phụ thuộc vào điều này). Nhiều người nước ngoài có cảm giác rằng bạn hỏi những câu đó chỉ để thoả mãn trí tò mò của bạn, để đánh giá họ, hay tệ hơn, để đưa ra những lời khuyên không cần thiết về cách họ sống cuộc đời của họ. Một bạn gái người Mỹ kể với mình là sang Việt Nam ai cũng hỏi chuyện chồng con của bạn xong rồi khi biết bạn ấy 30 tuổi và vẫn chưa chồng liền bày tỏ lòng thương hại hay tìm cách mai mối cho bạn ấy. Họ không hề hiểu rằng bạn ấy hoàn toàn hài lòng với cuộc sống độc thân của mình và không có ý định thay đổi.
Kể lể chuyện tiền nong
Một em người Việt mình mới quen khoe với mình rằng em vừa nhận công việc mới với mức lương xyz. Chuyện này mình gặp khá thường xuyên ở Việt Nam, nhưng tuyệt đối không bao giờ gặp khi tiếp xúc với người Mỹ hay châu Âu. Nếu bạn hỏi ai đó tiền lương của họ, rất có thể bạn sẽ nhận được câu trả lời: “Không phải việc của bạn.” Chuyện tiền nong còn bao gồm cả những chuyện như bạn mua xe mới với giá bao nhiêu, thuê nhà giá bao nhiêu, tiền học phí con bạn là bao nhiêu.
Người Việt Nam mình cởi mở nói chuyện tiền bạc một phần vì văn hoá mặc cả khiến chúng ta cần phải biết giá cả mọi thứ, phần vì tinh thần tương thân tương ái khiến chúng ta cần biết khả năng tài chính của những người trong cộng đồng để có gì còn tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, tiền bạc là một vấn đề hết sức tế nhị trong văn hoá phương Tây do những lý do sau:
- Họ không muốn ai đó coi thường hay thương hại họ chỉ vì họ làm ít tiền hơn người đó.
- Họ không muốn ai đó lợi dụng họ vì họ làm được nhiều tiền hơn người khác.
- Họ không muốn người khác đánh giá họ dựa vào mức lương của họ. Trong xã hội ngày nay, nhiều người vẫn coi tiền là thước đo của thành công.
Bình phẩm về cơ thể họ
Mình thấy người Việt khá hồn nhiên bình phẩm cơ thể của nhau. Kiểu như sao dạo này mày béo thế, sao tóc mày xoăn thế, sao mũi mày to thế. Mình ngày trước cũng hay làm thế với người nước ngoài mà không để ý đến sự khó xử của họ cho đến một ngày cô bạn cùng lớp của mình viết bài luận về việc cô sang châu Á và có cảm giác như là một con vật sở thú để mọi người xem xét bàn luận.
Ở nhiều nước, do đa dạng về mặt chủng tộc, người dân muốn hướng đến những điểm chung của con người thay vì tập trung vào những điểm khác biệt. Ví dụ, kêu một gốc Phi sao da mày đen thế hay sao tóc mày cứng thế có thể liệt bạn vào hàng phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, lời bình phẩm của bạn còn có thể khiến họ mất tự tin về cơ thể của mình, cứ băn khoăn về điểm khác biệt mà bạn nêu ra đó. Hơn nữa, màu da họ thế nào, tóc họ thẳng xoăn ra sao, mắt họ xanh hay đen đâu có ảnh hưởng gì đến bạn đâu mà bình phẩm?
Chụp ảnh, sờ mó con cái họ mà không được phép
Mình rất quý trẻ con nên thấy trẻ con là muốn chơi với tụi nó. Thấy trẻ con Tây dễ thương thì càng thích, chỉ muốn vuốt tóc hay bẹo má tụi nó một cái. Nhưng rồi mình bắt gặp quá trời phụ huynh nước ngoài than vãn về việc con cái của họ bị sờ mó ở Việt Nam.
Các bạn phải lưu ý rằng do nạn bắt cóc trẻ em và ấu dâm, các bậc phụ huynh rất cảnh giác với người lạ đến gần con cái của họ. Việc bạn chụp ảnh một em bé chỉ đơn giản là bạn thấy em bé dễ thương muốn mang về khoe với bạn bè, nhưng có thể khiến phụ huynh đó lo ngại rằng bức ảnh đó sẽ bị sử dụng cho mục đích xấu. Chuyện vuốt tóc, bẹo má trẻ con còn là một lo ngại về vệ sinh. Ai mà biết được tay bạn đã đi những đâu và làm những việc gì?
Chọn địa điểm ăn uống mà không hỏi họ ăn uống như thế nào
Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam đã cho mình một khả năng tuyệt vời: có thể ăn được bất cứ cái gì ở bất cứ nơi đâu. Người Việt mình nhìn chung khá thoải mái với chuyện ăn uống và có khả năng thích nghi cao.
Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, nhiều người có chế độ ăn uống rất khác. Có người ăn chay không ăn thịt cá (vegetarian), có người ăn chay không ăn bất cứ đồ gì từ động vật bao gồm cả trứng hay sữa (vegan), có người chỉ ăn gluten free, cũng có người không ăn được mì chính. Phần lớn người nước ngoài không ăn nổi những bộ phận động vật như lòng, chân, đầu, cổ, cũng như không có khả năng chịu nhiệt mắm tôm hay nước mắm.
Mình bị mấy bận rủ bạn nước ngoài đi ăn xong rồi phải để họ ăn mỗi cơm mà không có thức ăn vì mình chọn quán không có đồ ăn chay. Sau đó, mỗi khi rủ ai đó đi ăn, mình đều phải hỏi xem họ có kiêng gì không.