Part-time job at Tim Hortons
Shared tại https://www.facebook.com/groups/506890139330293/permalink/2984844928201456
Cho bạn nào chưa qua Canada hoặc chưa biết về Tim Hortons thì đây là một vận động viên khúc côn cầu (hockey) và là tên của chuỗi Cafe nổi tiếng ở Canada. Có thể thấy, Tim Hortons không chỉ phục vụ cafe mà còn tạo công việc cho rất nhiều người và đặc biệt là cho học sinh.
Trải qua nhiều người quản lý, mình xin tóm tắt các mặt tốt và điểm hạn chế như sau:
Tốt:
1. Công việc đảm bảo: Phải thừa nhận rằng Tim Hortons cho nhân viên rất nhiều cơ hội sửa sai và đảm bảo công việc lâu dài, mình chưa thấy ai bị đuổi hết, dù có lỗi thì chỉ bị nhắc nhở và vẫn làm việc tiếp tục. Lỗi lớn nhất là lấy order sai và bị mắng vốn về thái độ với khách hàng, bạn nên tránh hai việc này, TIPS BÊN DƯỚI.
2. Nhiều ca, thời gian làm việc linh hoạt: Nhiều ca làm việc nhất nằm ở những quán mở cửa 24/24, một ngày có từ 3-4 ca fulltime, và nhiều ca part time cho học sinh. Nhân viên muốn xin nghỉ hoặc đổi chỉ cần điền ngày muốn nghỉ hoặc tìm người để đổi ca rồi nộp cho quản lý, hầu hết 90% đều được chấp nhận trừ những trường hợp quá đáng. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của quản lý, mình đã làm việc với nhiều quản lý rồi và chưa gặp phải vấn đề gì về nghỉ phép.
3. Nhân viên được đào tạo bài bản, nâng cao kỹ năng giao tiếp, dùng máy tính tiền, xử lý tình huống và quen với môi trường năng động.
Hạn chế:
1. Không có nhiều đãi ngộ, tăng lương và thăng chức: mức lương của quản lý chỉ cao hơn từ 2-3 đồng/h + tip so với nhân viên nhưng áp lực rất nhiều, hầu như tất cả các phàn nàn đều đến lỗ tai của quản lý, có khách còn lấy điện thoại ra vừa la hét vừa quay phim bạn nữa.
2. Áp lực: Ở đâu cũng vậy, chủ luôn muốn hạn chế số lượng nhân viên trong một ca làm việc, tay chân cứ quơ lên liên tục nhưng khách vẫn cứ nườm nượp đứng chờ. Bình thường thì vẫn uống được miếng nước nhưng khi vào ca giờ cao điểm thì không còn biết đây là đâu, mình là ai nhé. Không ai quan tâm bạn làm tốt tới đâu, họ chỉ cần biết khách có hài lòng và toilet có được dọn trước khi bạn về hay không thôi.
3. Do bận vậy nên ít khi quản lý chịu lắng nghe: ngày đầu training thì khác, còn những ngày sau đó chỉ có bạn thôi, bí quá mới nhờ một bạn khác giúp nhưng không thể áp dụng được hoài vì ai cũng bận cắm mặt. Nếu vào ngày đầu tiên làm ở Tim Hortons, bạn cảm thấy quản lý không thể trao đổi hoặc không lắng nghe thì nên đổi qua chỗ khác sẽ tốt hơn.
Tổng hợp lại:
-Còn trẻ, mới qua thì nên thử làm ở đây, có thể nó là công việc giúp bạn trụ lại được và vượt qua những tháng ngày đầu tiên tại Canada.
-Học hỏi được cách quản lý, hoạt động, quảng bá và thị hiếu của khách hàng như thế nào trước khi mở tiệm cho riêng mình.
-Mình không ủng hộ ở lại Tim Hortons làm việc lâu dài, nó sẽ rất tốt với học sinh cấp 3 nhưng chưa chắc với bạn.
Thời gian đầu công việc nào cũng sẽ rất khó khăn, nhất là sau khi training pha chế, thu tiền, nghe order, cách xử lý tình huống thì bạn có thể bị đưa làm cashier, pha chế, lau bàn, dọn toilet, nghe order từ drive through cùng một lúc. Nhiều khi khách nói nhanh quá mình lại nghe không kịp order, nhớ phải xin lỗi nhờ khách lăp lại, lặp lại rồi mà nghe vẫn chưa được thì bạn kêu ng khác đến giúp, nhục một hai lần thì chắc chắn sẽ nhớ món đó đến cuối đời không thể nào quên được. Cách tốt nhất để hạn chế việc này là bạn nên học order trước khi vào làm luôn, ngày nào cũng ngồi học, và quan trọng là bỏ lên google để nghe món đó khi gọi sẽ phát âm ra sao, mà cũng oái ăm lắm, mỗi khách gọi món theo một kiểu khác nhau nên nói kỹ năng giao tiếp tăng là vậy. Đi làm liên tục 2 tuần tiếng anh lên hẳn còn khi nào được nghỉ liên tục 3 4 ngày vô làm lại bị cứng lưỡi, nói không được. Sau đó bạn mất chừng một đến hai tuần để làm quen với môi trường làm việc, và từ 3 đến 4 tuần để thành thạo tất cả các khâu. Khi quen rồi thì công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều và bắt đầu nhận diện những gương mặt quen thuộc hay đến quán 😀 nhìn mặt là biết sắp kêu gì luôn, khỏi chăm chú nghe như lúc mới vô làm.
Các câu hỏi khi phỏng vấn và mẹo trả lời, vẫn có thể áp dụng ở nơi khác nhe, cấu trúc tương tự:
1. What times could you work at Tim?
- Bạn nên cho người phỏng vấn thấy thời gian của bạn linh hoạt, có thể sắp xếp được và ưu tiên công việc sau việc học (nếu bạn đang đi học). Ví dụ, trong ngày không đi học, bạn sẵn sàng nhận những ca bận rộn nhất trong ngày như sáng mới mở cửa, hoặc làm ca tối (ở một số nơi ca tối nguy hiểm, người vô gia cư hay dân đập đá vô ngủ trong quán), làm cuối tuần hoặc lúc được nghỉ học thì sẵn sàng đi làm bất cứ khi nào có sickcall.
2. What can you tell me about Tim?
Câu này muốn kiểm tra độ hiểu biết của bạn về Tim, bạn tìm hiểu về năm thành lập, chuỗi này có chuyển nhượng hay không, đông khách nhất vào lúc nào (60% doanh thu là vào buổi sáng), roll up the rim luật chơi ra sao, văn hoá của Tim là gì vân vân và mây mây. Càng nhiều thông tin càng tốt, mấy cái mình đề cập bạn nói được hết là nắm trong tay phần thắng rồi.
3. How would you handle a rude and abusive customer?
Làm dịch vụ thì không thể tránh khỏi cái này nên câu này 90% sẽ bị hỏi. Đầu tiên bạn phải trả lời là giữ bình tĩnh, không được cãi tay đôi và gằn giọng. Sau đó bạn sẽ bám theo luật lệ của Tim để giải quyết tình huống , khi chính thức vào làm sẽ có một bảng cụ thể đối với khách, không phải cứ là khách thì muốn làm gì làm và khi nổi giận, complain là lại có đồ miễn phí. Nhấn mạnh chữ “de-escalation technique" = behave appropriately, talk quitely, softly, not raise voice, try to find solution, actively listen trong trường hợp này nha bạn. Khách la làng và hung dữ theo Tim là vì muốn có đuọc sự chú ý từ bạn, cho nên kỹ năng lắng nghe và tìm giải pháp trong trường hợp này là quan trọng nhất
4. Strengths, weaknesses?
Điểm mạnh: kể vài điểm của bản thân, xong kể câu chuyện cho ví dụ minh hoạ vài điểm mạnh đó, quan trọng hơn là nó có liên quan đến công việc ở Tim Hortons.
“A major strength that I have developed is….Evidence of this strength can be found….I believe this strength will be exceptionally useful to Tim Hortons because….”
Hạn chế: câu này trả lời hay nhất là khó để trở thành một con người hoàn hảo về mặt nào đó và bạn đang lên kế hoạch hoặc đang học một khoá học để cải thiện việc này hoặc kể một khuyết điểm mà bạn cho là người quản lý sẽ không quan tâm.
One of the weaknesses I am aware of is it is so hard being a total perfectionist. I have been working on this by taking ABC course…v.v..
5. Why did you quit your last job?
Lí do tốt nhất là do chuyển đi nơi khác sống nên phải nghỉ, đây là lí do tuyệt vời, đảm bảo an toàn cho người đi phỏng vấn hoặc trả lời theo cách muốn chuyển đến nơi mới vì chỗ làm gần nhà, tiện cho việc đi lại hơn, đặc biệt là vào mùa đông chẳng hạn.
Tránh và tuyệt đối không được nói những điều không tốt về nơi làm việc trước đây, chê bai quản lý cũ, nghỉ việc do bị đuổi hoặc mâu thuẫn với đồng nghiệp.