Shared tại https://www.facebook.com/VCATIP/posts/170606294304193
PHẦN I: SƠ LƯỢC VỀ CÁC LOẠI HÌNH KINH DOANH Ở CANADA
1. Hộ KD cá thể (Sole proprietorship)
Với loại hình Hộ KD cá thể, bạn là chủ duy nhất của Hộ KD cá thể và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ liên quan đến việc kinh doanh của Hộ KD cá thể. Bạn được hưởng tất cả lợi nhuận do Hộ KD cá thể làm ra (tất nhiên là phải nộp thuế). Vì bạn chịu trách nhiệm cá nhân đối với hoạt động của Hộ KD cá thể, các chủ nợ có thể yêu cầu bạn dùng tài sản cá nhân của mình để thanh toán nợ nếu tài sản của Hộ KD cá thể không đủ để trả nợ.
Ưu điểm:
- Dễ dàng đăng ký kinh doanh, chi phí đăng ký thấp
- Các yêu cầu tuân thủ thường là nhẹ nhàng đơn giản
- Bạn có quyền kiểm soát trực tiếp mọi quyết định trong quá trình kinh doanh
- Yêu cầu vốn tối thiểu
- Được hưởng một số ưu đãi thuế trong một số trường hợp (ví dụ nếu kinh doanh thua lỗ thì khoản lỗ được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân, thuế suất thuế thu nhập thấp hơn nếu lợi nhuận ở mức thấp…)
- Toàn bộ lợi nhuận là của bạn
Nhược điểm:
- Chủ hộ KD cá thể chịu trách nhiệm đối với mọi khoản nợ và nghĩa vụ liên quan đến việc KD. Do đó chủ hộ KD cá thể có nghĩa vụ dùng toàn bộ tài sản của mình để trang trải cho các khoản nợ và nghĩa vụ liên quan đến việc KD. Ngoài ra chủ hộ KD cá thể còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên làm thuê cho mình trong phạm vi công việc mà họ được thuê làm.
- Lợi tức thu được từ việc KD sẽ phải chịu thuế suất thuế thu nhập cá nhân, và có thể ở mức cao nếu lợi tức cao.
- Khó duy trì hoạt động kinh doanh khi chủ hộ KD cá thể vắng mặt
- Khó huy động vốn
Hạn chế:
- Bạn phải là công dân hoặc cư dân định cư tại Canada có địa chỉ rõ ràng (không đăng ký được Hộ KD cá thể với địa chỉ là hòm thư bưu điện).
2. Hợp tác kinh doanh (Partnership)
Hợp tác kinh doanh là việc kinh doanh được tạo dựng bởi từ 2 người trở lên nhưng không thành lập (incorporate) doanh nghiệp. Trong mô hình hợp tác kinh doanh, nguồn lực tài chính là tổng nguồn lực tài chính của các đối tác tham gia hợp tác và đóng góp cho việc kinh doanh. Bạn và (các) đối tác của bạn sẽ cùng chia sẻ lợi nhuận từ việc kinh doanh theo thỏa thuận giữa các bên.
Trong Hợp tác kinh doanh thông thường, các đối tác sẽ cùng nhau chia sẻ các khoản nợ và nghĩa vụ liên quan đến việc kinh doanh. Trong Hợp tác kinh doanh hạn chế, một cá nhân có thể đóng góp vào Hợp tác kinh doanh mà không tham gia vào hoạt động kinh doanh. Hợp tác kinh doanh hạn chế thường chỉ có trong các hoạt động chuyên nghiệp như hành nghề luật sư, kế toán hoặc bác sĩ.
Khi tiến hành Hợp tác kinh doanh, bạn cần phải có Thỏa thuận hợp tác kinh doanh. Thỏa thuận là quan trọng vì nó xác lập các điều khoản của việc hợp tác và sẽ giúp tránh được các tranh chấp sau này. Một luật sư hoặc chuyên gia pháp lý hỗ trợ trong việc soạn thảo Thỏa thuận hợp tác sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Ưu điểm:
- Đăng ký kinh doanh khá dễ và chi phí thấp
- Chi phí khởi nghiệp ban đầu được chia sẻ giữa các đối tác
- Chia sẻ trách nhiệm quản lý, lợi nhuận và tài sản
- Trong một số trường hợp được hưởng ưu đãi thuế (nếu thu nhập từ Hợp tác kinh doanh thấp hoặc thua lỗ thì được hưởng thuế suất thấp hoặc được trừ vào thu nhập chịu thuế (theo tỉ lệ) của từng đối tác.
Nhược điểm:
- Không có sự phân biệt rõ ràng giữa cơ sở kinh doanh và cá nhân
- Chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ liên quan đến kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của các cá nhân tham gia Hợp tác kinh doanh.
- Không dễ để tìm được đối tác phù hợp
- Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa các đối tác
- Bạn cũng sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những quyết định kinh doanh do đối tác của bạn thực thi.
Hạn chế:
- Ít nhất phải có 1 người tham gia hợp tác KD là công dân hoặc cư dân thường trú tại Canada có địa chỉ rõ ràng (không được dùng hòm thư bưu điện làm địa chỉ đăng ký KD).
3. Doanh nghiệp (Incorporation)
Doanh nghiệp là một loại hình kinh doanh khá phổ biến. Doanh nghiệp có thể được thành lập ở quy mô liên bang, hoặc ở quy mô tỉnh/bang/vùng lãnh thổ. Khi doanh nghiệp được thành lập, thì doanh nghiệp được coi là một thực thể tách biệt với (các) cá nhân sở hữu doanh nghiệp đó. Là cá nhân tham gia sở hữu doanh nghiệp, bạn không phải chịu trách nhiệm cá nhân về nợ, nghĩa vụ cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Bạn có thể tự làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, nhưng nếu bạn sử dụng dịch vụ thành lập doanh nghiệp thì sẽ có nhiều lợi ích về lâu dài (sẽ có bài riêng về chủ đề này).
Ưu điểm:
- Trách nhiệm hữu hạn (trong phạm vi vốn và quy mô của doanh nghiệp)
- Quyền sở hữu có thể được chuyển nhượng
- Doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại và hoạt động ngay cả khi chủ sở hữu doanh nghiệp qua đời
- Là thực thể pháp lý tách biệt với chủ sở hữu doanh nghiệp
- Dễ huy động vốn hơn so với các loại hình kinh doanh khác
- Có thể được hưởng một số ưu đãi thuế (thuế suất thuế TNDN có thể thấp hơn thuế suất thuế TNCN)
Nhược điểm:
- Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp
- Chi phí đăng ký kinh doanh cao hơn các loại hình kinh doanh khác
- Doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về lưu trữ hồ sơ giấy tờ và kê khai hàng năm với chính phủ.
- Tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp giữa các sở hữu chủ và giữa sở hữu chủ với người điều hành doanh nghiệp
Hạn chế:
- Người điều hành doanh nghiệp có thể phải đáp ứng các yêu cầu về cư trú và/hoặc quốc tịch (yêu cầu cụ thể theo tỉnh/bang/vùng lãnh thổ nơi đăng ký doanh nghiệp).
PHẦN II: DOANH NGHIỆP LIÊN BANG HAY TỈNH BANG?
Nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp tại Canada có thể chọn đăng ký thành lập doanh nghiệp ở quy mô liên bang hoặc tại một tỉnh bang cụ thể.
Tuy nhiên, doanh nghiệp liên bang vẫn phải làm thủ tục và nộp phí đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh bang mà doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp tỉnh bang thì không bắt buộc phải làm thủ tục và nộp phí đăng ký doanh nghiệp ở quy mô liên bang (chỉ phải làm thủ tục và nộp phí đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh bang khác khi muốn mở thêm cơ sở hoạt động tại tỉnh bang mới).
Phí đăng ký doanh nghiệp liên bang và tỉnh bang là khác nhau, và phí đăng ký doanh nghiệp giữa các tỉnh bang cũng có sự khác nhau (sẽ có bài riêng về các mức phí đăng ký doanh nghiệp liên bang và từng tỉnh bang).
Giữa doanh nghiệp liên bang và tỉnh bang cũng có sự khác nhau về yêu cầu kê khai hàng năm (doanh nghiệp liên bang phải kê khai 2 lần/năm, trong khi doanh nghiệp tỉnh bang chỉ phải kê khai 1 lần/năm).
Ngoài ra giữa doanh nghiệp liên bang và tỉnh bang, giữa các tỉnh bang với nhau cũng có yêu cầu khác nhau đối với tình trạng cư trú của (những) người điều hành doanh nghiệp (directors):
- Doanh nghiệp liên bang: ít nhất 25% (những) người điều hành doanh nghiệp (directors) phải là cư dân thường trú tại Canada
- Alberta: ít nhất 50% (những) người điều hành doanh nghiệp (directors) phải là cư dân thường trú tại Canada
- British Columbia: không yêu cầu
- Manitoba: ít nhất 51% (những) người điều hành doanh nghiệp (directors) phải là cư dân thường trú tại Canada
- Newfoundland: ít nhất 51% (những) người điều hành doanh nghiệp (directors) phải là cư dân thường trú tại Canada
- New Brunswick: không yêu cầu
- Nova Scotia: không yêu cầu
- Ontario: ít nhất 25% (những) người điều hành doanh nghiệp (directors) phải là cư dân thường trú tại Canada (nếu có dưới 4 người điều hành doanh nghiệp (directors) thì phải có ít nhất 1 người là cư dân thường trú tại Canada);
- Prince Edward Island: không yêu cầu
- Quebec: không yêu cầu
- Saskatchewan:ít nhất 51% (những) người điều hành doanh nghiệp (directors) phải là cư dân thường trú tại Canada; ít nhất phải có 1 người điều hành doanh nghiệp là cư dân thường trú tại Saskatchewan.
PHẦN III: CHI PHÍ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP Ở CANADA
Nhà đầu tư mở doanh nghiệp ở Canada cần nộp phí đăng ký thành lập doanh nghiệp tại tỉnh bang mà doanh nghiệp đăng ký hoạt động và sẽ được cơ quan đăng ký doanh nghiệp cấp cho một mã số doanh nghiệp. Nếu muốn đăng ký tên doanh nghiệp thì phải qua thủ tục xét duyệt tên doanh nghiệp và phải nộp thêm phí tra cứu tên doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đã đăng ký ở cấp liên bang hoặc một tỉnh nay muốn mở thêm cơ sở ở một tỉnh khác cũng phải nộp phí đăng ký và mức phí có thể khác so với phí đăng ký dành cho doanh nghiệp đăng ký mới tại địa phương.
Một số tỉnh bang có các mức phí khác nhau cho thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, tùy theo phương thức nộp hồ sơ (online hay hồ sơ giấy) hoặc theo mức độ dịch vụ (dịch vụ thường hay dịch vụ nhanh).
Dưới đây là thông tin tham khảo về mức phí (thấp nhất) đăng ký thành lập doanh nghiệp mà nhà đầu tư phải nộp ở 10 tỉnh bang của Canada (không bao gồm 3 vùng lãnh thổ). Hàng năm chính quyền các tỉnh bang thường xem xét và có thể quyết định thay đổi mức phí nếu thấy cần thiết, do đó nhà đầu tư cần tham khảo thông tin tư vấn chuyên nghiệp để biết mức phí chính xác tại thời điểm dự kiến thành lập doanh nghiệp.
1. Liên bang: Phí đăng ký 200 CAD, phí tra cứu tên: 13.80 CAD
2. Alberta (AB): Phí đăng ký (cả đăng ký mới và ngoại tỉnh) 275 CAD
3. British Columbia (BC): Phí đăng ký (cả đăng ký mới và ngoại tỉnh) 350 CAD, phí tra cứu tên: 30 CAD
4. Manitoba (MB): Phí đăng ký (cả đăng ký mới và ngoại tỉnh) 350 CAD, phí tra cứu tên: 45 CAD
5. New Brunswick (NB): Phí đăng ký mới 262 CAD. ngoại tỉnh 212 CAD, phí tra cứu tên: 30 CAD
6. Newfoundland & Labrador (NL): Phí đăng ký mới 270 CAD. ngoại tỉnh 560 CAD, phí tra cứu tên: 10 CAD
7. Nova Scotia (NS): Phí đăng ký mới 200 CAD. ngoại tỉnh 274.10 CAD, phí tra cứu tên: 61.05 CAD
8. Ontario (ON): Phí đăng ký mới 300 CAD
9. Quebec (QC): Phí đăng ký mới 343 CAD. ngoại tỉnh 343 CAD, phí tra cứu tên: 22 CAD
10. Saskatchewan (SK): Phí đăng ký mới 270 CAD. ngoại tỉnh 270 CAD, phí tra cứu tên: 65 CAD
Một số tỉnh như NS, SK ... còn yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký lại hàng năm và nộp phí đăng ký lại (118.35 CAD với NS và 100 CAD với SK).
Trường hợp nhà đầu tư không trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, mà sử dụng dịch vụ thì ngoài các khoản phí phải nộp cho chính quyền, nhà cung cấp dịch vụ sẽ tính thêm phí dịch vụ của nhà cung cấp.