Shared tại https://www.facebook.com/groups/814145712350912/permalink/825521901213293/
1. Basement
Ở Canada hầu như nhà nào cũng có basement (tầng hầm). Nguyên do là các chủ thầu phải đóng trụ sâu hơn lớp đất đóng băng phía trên (do thời tiết lạnh) để đảm bảo móng nhà được vững chắc. Phần đất ở giữa được nạo vét hết đi, ốp gỗ, trang trí nội thất này nọ, thế là trở thành một không gian sống hữu dụng như kho chứa đồ, phòng tập thể thao, ca nhạc phim ảnh...
Tuy nhiên, đối với những người có đầu óc kinh doanh, và/ hoặc điều kiện kinh tế còn eo hẹp, có mong muốn xoay xở kiếm thêm, thì basement cũng là một trong các tiêu chí lựa chọn quan trọng khi mua nhà.
Ngoài mục đích đơn giản nhất là cho thuê và thu tiền rent hàng tháng (có người còn cung cấp cả dịch vụ nấu ăn, trông trẻ giùm cho người thuê), ai có kỹ năng gì vượt trội có thể dùng nơi này để hành nghề: Nấu ăn theo đơn đặt hàng, làm bánh, cắt tóc, may vá, sửa chữa đồ gia dụng, dạy học, khai thuế cá nhân và doanh nghiệp, châm cứu bấm huyệt ...
Làm gì thì làm, bạn cũng cần lưu ý đến các quy định của pháp luật và phản ứng của hàng xóm láng giềng. Thị Nguyễn, một phụ nữ trung tuổi đã có chứng chỉ trông trẻ nhiều năm vừa tới văn phòng chúng tôi tháng trước. Theo quy định, bà chỉ được phép nhận tối đa 5 bé tại nhà nhưng cả 4 lần tới kiểm tra đột xuất (sau vụ 1 bé lên cơn co giật phải gọi emergency), số lượng bé trong nhà lên tới 8-10, cảnh sát đã đưa bà ra toà và đòi tiền phạt lên tới $360,000 (được cái họ giơ cao đánh khẽ, cuối cùng tổng thiệt hại gồm cả chi phí luật sư là $3000 nhưng bị quản chế 2 năm).
Đây là một trong những cách thức khởi nghiệp đơn giản, chi phí đầu tư và rủi ro đều thấp, được nhiều người áp dụng như một nghề nghiệp trọn đời hoặc trong giai đoạn đầu nghiên cứu thị trường, tích lũy vốn và kinh nghiệm. Để giúp cho mọi người biết đến mình dễ dàng, bạn có thể đăng quảng cáo trên các tờ báo cộng đồng như Thời Báo, Thời Mới (được phát miễn phí ở chợ và các cơ sở kinh doanh của người Việt, hoặc trên các trang mạng rao vặt miễn phí của Canada như Kijiji.ca hoặc Torontocraigslist.ca.
Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, tỷ lệ thất nghiệp không có xu hướng giảm khiến những người mới nhập cư gặp rất nhiều khó khăn (như trong note "Tôi đi kiếm việc" mà tôi chia sẻ cách đây không lâu). Chi bằng "không ai thuê ta thì ta tự thuê mình" (self employed) là quyết định sau nhiều nỗ lực kiếm việc không thành của thiểu số người có chút bản lĩnh, chút liều, chút tri thức và chút (hoặc rất nhiều) vốn.
2. Franchise
Tại sao không khi họ đã có thương hiệu được khẳng định, quy trình vận hành bài bản, chuẩn hoá, chiến lược và công cụ marketing đồng bộ cho toàn hệ thống, chỉ còn thiếu địa điểm (location) và con người thực hiện nữa là có thể hứa hẹn một sự khởi nghiệp thuận lợi.
Những Franchise thường được người Việt lựa chọn là đồ ăn nhanh (pizza, gà rán, sushi), tiệm nail (ví dụ Nice One Nails) hay cửa hàng tạp hoá (convenience store, mà 90% lợi nhuận thu được là từ xổ số và thuốc lá). Người mua Franchise (Franchisee) ngoài việc trả tiền cho Franchisor khi mở tiệm, đa phần phải mua hàng hoá của họ để chế biến hoặc bán lại, trả tiền cho các trang thiết bị trong tiệm với giá cao, tiền họ training cách vận hành, quản lý đầu ra đầu vào, phí bản quyền hàng tháng theo mức cố định hay tính theo % doanh số, mà khi sang nhượng cho người khác cũng phải trả phí chuyển nhượng, lên tới 20% giá bán. Hợp đồng Franchise lại rất dầy, chữ nghĩa hành văn phức tạp nên nhiều người không muốn hoặc ngại đọc, mà có đọc cũng khó mà hiểu cho đúng nên cứ đến khi sinh chuyện mới mang ra nghiên cứu hoặc nhờ luật sư xem hộ, tất nhiên lúc đó đã quá muộn để đàm phán.
Văn Trần mua tiệm Franchise gà rán được gần 1 năm, cảm thấy doanh số quá èo uột, tháng nào cũng phải bù lỗ cả ngàn đồng, chưa kể lương cho mình còn không có. Qua nghe phản ảnh khách hàng mới biết khi họ gọi điện đặt hàng thì toàn thấy nhân viên địa điểm khác ( nhưng cùng Franchise) tới giao gà mặc dù địa chỉ khách hàng này thuộc khoanh vùng đã ghi trong hợp đồng ký kết. Văn ngay tức khắc gọi đến Franchisor để làm rõ vấn đề nhưng sau hàng năm trời đấu tranh vẫn chưa được giải quyết. Vốn là Franchisor đã ký một hợp đồng 10 năm với Franchisee khác mà khoanh vùng địa lý của họ trùm luôn của Văn Trần nên đơn hàng gọi đến đều được chuyển hết cho cửa hàng kia. Giờ chờ được vạ thì má đã sưng, chưa biết việc kiện tụng của Văn Trần sẽ thành hay bại nhưng trước mắt anh có thể phải mất từ vài ngàn đến vài chục ngàn tiền luật sư phí.
3. Thành lập công ty hoặc cá nhân làm chủ
Hầu hết người Việt khi quyết định khởi nghiệp sẽ hoặc đăng ký kinh doanh theo hình thức cá nhân làm chủ (sole proprietorship, partnership) hoặc thành lập công ty (corporation). Để hạn chế tối đa rủi ro thất bại, tiền mất tật mang (vì theo thống kê của Toronto City Hall thì con số này là 95%), thì trước khi mở tiệm bạn cần có thời gian làm việc thực sự trong nghề. Mở cửa hàng nail mà không biết cắt móng, nhổ lông, mở tiệm pizza mà không biết nhào bột, phết cà thì chắc tỷ lệ thất bại không phải 95 mà có thể là 99.9. Tuỳ theo lĩnh vực kinh doanh sẽ có sự sai khác nhưng thường thì lương luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp (bao gồm lương của chính mình), tiếp đến là tiền thuê nhà/tiệm. Hai khoản này lại rất khó cắt giảm vì ở Canada có quy định về mức lương tối thiểu (hiện nay là $11/h), thời gian nghỉ phép hưởng lương (vacation pay), hợp đồng thuê tiệm trung bình tối thiểu 5 năm không được bỏ giữa chừng (nếu bỏ bị phạt rất nặng). Ngoài ra chi phí nào liên quan đến việc kinh doanh (commercial) cũng đắt hơn hẳn so với hộ gia đình như điện, nước, gas, dịch vụ phí ...
Kể ra những khó khăn như vậy để mọi người có thêm chút thông tin chứ cũng có nhiều người kinh doanh thành công lắm, đặc biệt khi cả hai vợ chồng cùng trên một con thuyền. Đối tác có thể nay thêm mai bớt, nhân viên nay nghỉ mai làm chứ business có vợ có chồng thì tính ổn định rất cao.
Thế nên mới có thơ rằng:
Chồng đánh móng, vợ nhổ lông
Khách hàng khó tính ta không ngại gì
Ruột bầu anh chan tạm đi
Rồi ra đánh móng, em thì râu tôm
Húp xong quay lại nhổ lông
Vợ chồng ta cứ cong mông cả ngày
(Thơ vui, mong các bạn làm nail đừng giận 😄)
P.S: Bài viết cách đây mấy năm nên lương tối thiểu đã tăng.