Vietnamese Expats

Cho đi là để nhận lại
Google badgeiOs badge
3 năm trước
updated 3 năm trước
Kinh nghiệm trước khi lên đường tới Canada
Shared tại https://www.facebook.com/WesternEduCanada/posts/1654275574680560

Phần I. Chuẩn bị trước khi bay

1. Để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho chuyến bay dài, bạn nên:
- Mặc quần áo nhiều lớp để giữ ấm cơ thể. Lớp ngoài là áo khoác dày, bên trong là bộ áo quần bằng vải thun, rộng rãi, thoải mái, và trong cùng là một lớp quần áo bó sát người dài tay. Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị vớ, khăn choàng cổ hoặc khẩu trang để phòng khí lạnh trong máy bay và sân bay. Đặc biệt, bạn có quyền yêu cầu tiếp viên hàng không cung cấp mền nếu cảm thấy lạnh.
- Mang giày bít hoặc sandal đế bằng, không nên mang giày cao gót vì bạn vừa phải di chuyển nhiều, nhanh vừa phải mang vác hành lý nặng.
- Trong chuyến bay nên uống nhiều nước, ngậm kẹo hoặc nhai kẹo cao su để tránh bị đau tai do áp suất thay đổi gây nên.
- Nếu bạn có bệnh về mắt như cận, viễn…, bạn nên đeo kính thuốc bình thường thay cho kính sát tròng vì áp suất trên cao và không khí lạnh của máy bay có thể ảnh hưởng đến độ co giãn của kính áp tròng không tốt cho mắt.
- Không nên ăn quá no trước hay trong khi bay.
- Không hút thuốc trên máy bay.
- Mua bảo hiểm du lịch cho chuyến đi từ ngày bắt đầu khởi hành cho đến ngày đầu tiên đến trường. Bạn cũng có thể mua bảo hiểm du học tại Việt Nam mà không cần nhờ trường học mua bảo hiểm, tuy nhiên trước khi tự mua, bạn hãy kiểm tra lại với trường vì đôi khi trường đã tính cả tiền bảo hiểm trong học phí rồi.
- Tìm hiểu cách gọi điện thoại (trong trường hợp bạn không sử dụng Viber/Zalo):
Gọi từ Canada về điện thoại cố định của Việt Nam: 011 + 84 (Mã Việt Nam) + 28 (Mã vùng TP.HCM) + số máy điện thoại cố định. Ví dụ: 011 84 28 12345678.
Gọi từ Canada về điện thoại di động của Việt Nam: 011 + 84 + Số máy di động (bỏ số 0 ở đầu ). Ví dụ: 011 84 123456789.
Gọi trong nội địa Canada: Mã vùng + Số điện thoại. Ví dụ: (415)123-4567
Gọi từ Việt Nam sang Canada: 001 + Mã vùng + Số điện thoại. Ví dụ: 001 415 123 4567.
2. Chuẩn bị hành lý:
Tùy vào quy định của từng hãng hàng không mà mỗi du học sinh sẽ được mang theo một hoặc hai kiện hành lý ký gửi, mỗi kiện tối đa là 23 ký, cùng với một va-li/ba lô xách tay tối đa 7 ký. Như vậy tổng cộng các bạn có thể mang theo tối đa là khoảng 53 ký, bạn không nên mang dư ký vì sẽ bị đóng tiền phạt rất cao.
- Hành lý ký gửi: chúng tôi không đề cập nhiều vì điều này tùy thuộc từng cá nhân với những sở thích, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng nhìn chung thì có những thứ các bạn nên mang theo như sau:
+ Quần áo: Đừng mang theo quá nhiều vì phong cách của mỗi nơi khác nhau, và đặc biệt là chất liệu vải có sự khác biệt rất lớn. Ở Canada thường giặt xong là sấy khô chứ không phơi nên các chất vải Việt Nam thường sẽ bị rút khi sấy. Tốt nhất là qua đó bạn hãy mua đồ, vừa hợp gu vừa không bị hư hỏng. Nếu đến Canada vào mùa Đông, bạn nên mang theo một vài bộ quần áo lạnh dày, giày bốt, áo ấm dạng phao và áo ấm dài ngang gối để chịu lạnh ngay khi xuống sân bay và vào các ngày đầu tiên, vì nhiệt độ nhiều nơi có thể xuống âm 40 độ.
+ Mì gói và một số đồ ăn khô: Đây là sự chuẩn bị cần thiết vì khi mới qua, mọi thứ còn khá lạ lẫm. Mì gói và đồ khô sẽ giải quyết chuyện ăn uống trong khoảng một tuần đầu. Nếu bạn mang theo mì gói hay hủ tiếu gói thì hãy chọn mua những sản phẩm có bao bì hình cua, tôm. Đừng chọn hình hay chữ quảng cáo liên quan đến thịt.
+ Thuốc: Nên mang theo một số thuốc cảm, nhức đầu, tiêu chảy và một ít kháng sinh. Điều này rất quan trọng vì khi mới qua Canada, chưa có bảo hiểm, chưa quen thời tiết, thổ nhưỡng, nếu bạn có bị bệnh thì rất khó xoay sở. Thêm nữa thuốc ở Canada rất đắt và cần có chỉ định của bác sĩ mới mua được.
+ Một số đồ cá nhân: Máy tính, kim từ điển, laptop nếu có sẵn thì nên mang theo để thuận tiện sử dụng ngay (không thì để qua đó mua sẽ rẻ hơn), đồ chuyển đổi giữa điện 220 Vol (phích cắm hai chấu) và 110 Vol (phích cắm ba chấu). Nếu ai dùng kính thuốc thì nên làm sẵn ít nhất hai cái vì bên đó gọng kính khá rẻ nhưng chi phí đi khám mắt và làm tròng kính thì rất đắt. Bạn cũng cần mang theo bộ đồ dùng học tập như bút, thước, tẩy, máy ghi âm… không cần thiết mang theo tập vở hoặc giấy vì bên đó sử dụng khổ giấy khác.
+ Phần trọng lượng dư còn lại tùy các bạn, tuy nhiên nếu bạn muốn sử dụng đồ mới thì có thể cân nhắc mua sản phẩm bên Canada vì sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, nếu mua đồ điện máy thì cần xem kỹ về loại điện thế trước khi mua, vì ở Canada chỉ sử dụng điện 110 Vol và phích cắm ba chấu, nếu mang về Việt Nam sẽ khó sử dụng.
- Hành lý xách tay: Chuyện bị thất lạc hành lý ở sân bay là chuyện bình thường, do đó, hành lý xách tay là tối cần thiết trong những trường hợp như vậy. Trong hành lý xách tay nên có một bộ quần áo, đồ dùng cá nhân như bàn chải, mì gói, thuốc, những thứ giấy tờ quan trọng và tiền. Ngoài ra, trong hành lý xách tay, bạn không được mang theo các vật dụng có dạng chất lỏng, chất đặc sánh hoặc dung dịch xịt (chai xịt khoán, sữa, dầu gội, kem dưỡng da, nước hoa, keo xịt tóc, foam cạo râu, dầu, cao xoa bóp, bình xịt khử mùi…) có dung tích quá 100 ml, bạn cũng không được mang theo dao kéo, các vật sắc nhọn, bật lửa, và những vật theo quy định được coi là nguy hiểm (xem bảng hướng dẫn ở các quầy thủ tục).
*Lưu ý:
. Bên cạnh những thứ cần mang theo thì có những thứ không được mang vào Canada như: trái cây, thịt, củ quả, các loại hạt chưa qua chế biến. Chỉ có hải sản được cho phép mang vào nhưng phải được đóng gói cẩn thận, tránh để bốc mùi hôi và tốt nhất là có nhãn hiệu dán bên ngoài. Đồ ăn mang theo ăn dọc đường cũng vậy, nếu bạn mang theo xôi, cơm hay bánh mì thì nên giải quyết trước khi xuống sân bay Canada.
. Ngoài ra, trên hành lý ký gởi bạn nên dán các bảng tên ghi rõ họ tên, địa chỉ liên hệ ở Việt Nam lẫn Canada, và tạo ký hiệu riêng để dễ nhận biết khi lấy hành lý. Nên đóng thùng để có lợi về trọng lượng, và buộc dây dù vòng quanh thùng cho dễ khuân vác.
. Một mẹo nhỏ dành cho các bạn bay ở Tân Sơn Nhất, các bạn nên cân hành lý ở nhà tầm 21.5 ký thôi vì ra đến sân bay cân sẽ thành 23 ký.
. Nên hạn chế nói chuyện với người lạ ở sân bay, đừng giữ đồ giúp người lạ, hoặc giúp người lạ nhặt đồ, hoặc nhờ người lạ giữ đồ giúp, vì họ có thể bỏ các chất cấm vào hành lý của bạn mà bạn không biết. Luôn để mắt đến hành lý là lời khuyên cho an toàn của chính bạn.
3. Chuẩn bị giấy tờ:
Bạn nên mang theo bản sao của tất cả những giấy tờ liên quan tới nhân thân và lưu lại bản gốc ở Việt Nam phòng trường hợp thất lạc. Những giấy tờ bằng tiếng Việt nên đi dịch công chứng sang tiếng Anh.
Bên cạnh đó, hộ chiếu (passport) có dán visa, thư mời học (acceptance letter), Study Permit, vé máy bay, thẻ bảo hiểm, địa chỉ tại Canada là bộ giấy tờ sẽ dính liền với nhau và có giá trị quyết định đến việc bạn được hợp pháp ra vào Canada trong suốt một năm đầu, chúng nên được để chung với nhau trong hành lý xách tay vì sẽ liên tục được yêu cầu xuất trình trong suốt chặng đường bay của bạn.
- Hộ chiếu: Rất quan trọng vì nó là giấy tờ chứng minh bạn là ai và tính hợp pháp khi ở Canada. Bạn nên giữ cẩn thận, tránh làm mất vì sẽ gặp khá nhiều rắc rối khi đi làm lại hoặc bị kẻ giang lợi dụng nhân thân của bạn để làm chuyện xấu.
- Study Permit: Sau khi Visa hết hạn thì Study Permit sẽ là tấm giấy thông hành cho bạn tiếp tục ở lại Canada. Điều quan trọng là duy trì Study Permit có hiệu lực và làm thủ tục gia hạn trước ngày hết hạn ít nhất là 2 tháng. Đối với các bạn lần đầu đến Canada thì Study Permit sẽ được cấp ngay tại cửa khẩu sân bay Toronto hoặc Vancouver sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh.
- Giấy khai sinh, sổ khám sức khỏe (nếu trường yêu cầu), chứng minh nhân dân, thư mời học, học bạ, bằng tốt nghiệp, v.v. Những giấy tờ này không nhất thiết là bản chính mà chỉ cần đi sao y, có dịch thuật công chứng sang tiếng Anh. Những loại này cũng quan trọng không kém vì khi ở cửa khẩu sân bay, đôi lúc nhân viên an ninh sẽ yêu cầu bạn xuất trình cho họ xem.
4. Chuẩn bị tiền:
Theo quy định của nhà nước Việt Nam thì công dân Việt Nam khi xuất cảnh có thể mang theo các loại mệnh giá tiền tệ với số lượng tương đương tối đa không quá 5.000 USD, nếu mang nhiều hơn phải có công văn cho phép của NH Nhà Nước.
Bạn nên để tiền chung một chỗ, đừng chia nhỏ ra. Công nghệ an ninh ở sân bay rất cao, do đó họ chỉ cần soi qua độ dày xấp tiền là biết được bạn mang theo bao nhiêu. Đừng chia nhỏ vì sẽ khiến họ không chắc được số lượng và bạn sẽ bị giữ lại để kiểm tra riêng, rất phiền phức.
Bạn cũng nên làm sẵn thẻ thanh toán quốc tế visa/master loại ghi nợ (debit) để có thể sử dụng an toàn hơn tiền mặt. Loại thẻ visa debit tương tự như thẻ tín dụng (credit) có thể sử dụng quốc tế nhưng an toàn hơn ở chổ là trong tài khoản của thẻ có tiền thì bạn mới có thể thanh toán được, quý phụ huynh cũng có thể giữ thẻ chính và đưa cho con thẻ phụ để dễ quản lý việc chi tiêu. Và vì ở Canada không có văn hóa sử dụng tiền mặt nên lời khuyên dành cho các bạn là nên có ít nhất 1 thẻ thanh toán quốc tế trong người để không bị dòm ngó. Nhược điểm duy nhất của thẻ thanh toán quốc tế là bạn sẽ bị ngân hàng tính phí khoảng 2% đến 4% trên tổng số tiền thanh toán (hiện nay Vietcombank đang tính phí rẻ nhất, và Eximbank là ngân hàng có dịch vụ thẻ tốt nhất).
Bên cạnh đó, trước khi đi, bạn nên đổi khoảng 100 đô la Mỹ sang tiền lẻ, mệnh giá từ 1 đến 20 đô để mua nước hoặc mua đồ ăn ở sân bay hoặc dọc đường đi. Tại sao là đô là Mỹ? Vì đây là loại tiền tệ phổ biến nhất, dù bạn quá cảnh ở quốc gia nào đi nữa thì vẫn có thể sử dụng được USD.
5. Thủ tục lên máy bay:
Theo quy định, bạn cần đến sân bay trước 3 tiếng để làm thủ tục check-in và thủ tục an ninh.
Đến quầy check-in, bạn đưa hộ chiếu và vé máy bay cho nhân viên của hãng hàng không và tiến hành thủ tục ký gởi hành lý. Bạn có thể không cần in vé máy bay ra vì đa số vé hiện nay đều là vé điện tử, thông tin đã có sẵn trên hệ thống, nên chỉ cần xuất trình hộ chiếu và mã vé trên điện thoại là nhân viên của hãng hàng không đã có thể làm thủ tục cho bạn.
Sau khi làm xong thủ tục check-in, nhân viên của hãng sẽ trả lại hộ chiếu cho bạn, và họ sẽ đưa thêm 2 loại giấy tờ quan trọng khác, đó là boarding pass (thẻ lên máy bay) và luggage ticket (thẻ gởi hành lý):
- Boading pass ghi rõ số ghế ngồi của bạn trên máy bay, cổng ra máy bay và giờ bay. Nếu bạn quá cảnh ở nhiều nơi thì bạn nên yêu cầu nhân viên của hãng check-in và chọn ghế ngồi ở tất cả các chặn bay một lượt giúp bạn.
- Luggage ticket rất nhỏ và thường được dán vào mặt sau của boarding pass, bạn nhớ đừng làm mất thẻ này vì đây là biên nhận hành lý để có thể khiếu kiện nếu mất hoặc thất lạc hành lý.
Sau khi đã hoàn tất cả các thủ tục check-in, bạn đi thẳng vào trong để thực hiện thủ tục kiểm tra an ninh. Khu vực kiểm tra an ninh đôi lúc rất đông, phải xếp hàng dài và mất thời gian chờ đợi nên hãy tranh thủ vào sớm. Bạn sẽ được yêu cầu cởi áo khoác và giày để vào khay rồi đưa qua máy soi cùng với hành lý xách tay và điện thoại, còn bạn thì phải đi qua cổng dò kim loại. Đây chỉ là thủ tục thôi, đừng căng thẳng nhé.
Qua cửa an ninh thì bạn hãy để ý tiếp các bảng chỉ dẫn để tìm đến cửa (Gate) ra máy bay. Trong lúc ngồi đợi, bạn cũng cần lưu ý nghe loa phát thanh vì có thể chuyến bay bị đổi giờ bay hoặc đổi cổng ra máy bay, nhân viên sân bay sẽ đọc loa thông báo. Hoặc nếu bạn là người cuối cùng chưa lên máy bay thì nhân viên sân bay cũng sẽ đọc loa tên của bạn và số hiệu chuyến bay của bạn, lúc này nếu bạn đang ở khu kiểm tra an ninh thì hãy lập tức yêu cầu nhân viên an ninh cho bạn được ưu tiên kiểm tra trước, vì máy bay sẽ không đợi.
Đối với các sân bay quốc tế, bạn nên lưu ý các bảng chỉ dẫn được treo trên cao để tìm đường đi đến cổng ra máy bay (Gate), phòng chờ (Lounge), khu làm thủ tục quá cảnh (Transit area), cổng lấy hành lý (Luggage/Baggage Claim) hoặc hướng ra khỏi sân bay (Exit). Đặc biệt, ở Canada và Mỹ, từ tiếng Anh dùng để chỉ nhà vệ sinh thường được dùng là 'Restroom', không phải là 'Toilet' nhé.


Phần II. Trên đường bay và khi đến Canada

Khi đến sân bay quá cảnh, bạn không cần phải lấy hành lý ký gởi, hành lý sẽ được tự động chuyển sang chuyến bay sau. Trừ trường hợp sân bay quá cảnh nằm tại Canada, thì bạn bắt buộc phải làm thủ tục nhập cảnh, rồi lấy hành lý, và làm thủ tục check-in lại lần nữa để bay chuyến nội địa.
Nếu quá cảnh ở các sân bay không thuộc Canada, ngay khi vừa bước ra khỏi máy bay, bạn nên quan sát các bảng chỉ dẫn được treo ở trên xem hướng nào đi ra khu vực quá cảnh (transit) hoặc hỏi nhân viên sân bay nếu không tìm ra bảng chỉ dẫn. Bạn nên đi ngay vì tại khu quá cảnh bạn phải thực hiện thêm bước kiểm tra an ninh lần nữa trước khi được cho vào khu vực phòng chờ bay. Một số sân bay yêu cầu bạn phải lấy laptop và pin sạc dự phòng ra khỏi balo và để riêng ở ngoài khay để đưa qua máy soi, hãy lưu ý bảng thông báo và quan sát người đi trước nhé.
Sau khi xong kiểm tra an ninh, hãy xem lại boarding pass và theo dõi bảng thông báo, xem chuyến bay kế tiếp của mình sẽ cất cánh ở cổng nào để tới cổng đó ngồi chờ. Trước giờ bay 30 phút, bạn nên xem bảng thông báo lần nữa để kiểm tra lại xem chuyến bay có thay đổi giờ hoặc thay đổi cổng ra máy bay hay không. Các cổng ra máy bay cách nhau khá xa, vì vậy nếu thời gian quá cảnh dưới 2 tiếng thì bạn không nên đi loanh quanh trong sân bay mà hãy ra cổng chờ ngay khi kết thúc kiểm tra an ninh. Nếu thủ tục kiểm tra an ninh quá lâu mà sắp đến giờ bay, hãy yêu cầu nhân viên an ninh cho bạn được ưu tiên kiểm tra trước.
Nếu có sự thay đổi về giờ bay, bạn nên tìm cách thông báo cho gia đình ở Việt Nam và người đón bạn ở Canada biết.
Sau khi đáp xuống sân bay Canada, bạn sẽ phải làm thủ tục nhập cảnh rồi ra lấy hành lý. Về phần nhập cảnh và làm Student Permit, chúng tôi sẽ có một bài riêng hướng dẫn các bạn lần đầu đến Canada. Sau khi làm thủ tục nhập cảnh xong, bạn đi theo bảng chỉ dẫn để ra khu vực lấy hành lý. Nhớ xem bảng thông báo xem số hiệu chuyến bay của bạn sẽ lấy hành lý ở băng chuyền (belt) số mấy. Có thể một băng chuyền sẽ có hành lý của nhiều chuyến bay nên bạn cần tập trung để lấy chính xác hành lý của mình, bạn nên gắn tag hoặc thắt dây có nhiều màu sắc lên hành lý trước khi ký gởi để dễ nhận dạng khi lấy.
Bạn có thể tìm thấy xe đẩy hành lý (baggage carts) tại băng chuyền hoặc ở bên ngoài quầy hải quan. Tuy nhiên, ở một số sân bay của Canada bạn sẽ phải trả phí khi sử dụng xe (khoảng 3 USD/xe, trả bằng thẻ tín dụng visa/master). Lời khuyên của chúng tôi là đừng tiếc tiền vì 2 kiện hành lý rất nặng.
Khi ra đến cửa nhà ga, bạn cần tìm người đón mình ở chỗ đã hẹn trước, hoặc người đón nếu là chủ nhà homestay hoặc đại diện trường thì họ sẽ cầm tấm bảng nhỏ có ghi tên của bạn và tên của trường trên đó và đứng đợi bạn ở ngay cửa ra. Trong trường hợp bạn không tìm thấy người đón, hãy bình tĩnh, dùng điện thoại kết nối wifi của sân bay và gọi cho người đón, hoặc tìm đến quầy Information Desk để nhờ trợ giúp. Nếu đây là lần đầu đến Canada, bạn không nên rời khỏi sân bay cho đến khi có người đón.
Khi về đến chổ ở bạn nên nhanh chóng liên lạc với gia đình ở Việt Nam để gia đình yên tâm. Chủ nhà homestay sẽ hướng dẫn bạn đi xe buýt tới trường, giới thiệu khu vực xung quanh nhà cho bạn.
Ngày đầu tiên đến trường (Orientation Day) bạn sẽ được làm bài kiểm tra đầu vào tiếng Anh để xác định trình độ và xếp lớp, sẽ được thầy cô hoặc các bạn sinh viên tình nguyện có kinh nghiệm hướng dẫn thủ tục lấy thẻ bảo hiểm, nhận tủ đồ cá nhân, làm thẻ sinh viên, thẻ thư viện, thẻ xe buýt, mở tài khoản ngân hàng, cách thức đăng ký lớp học…
Đối với việc mở tài khoản hoặc thẻ tín dụng ở Canada để nhận tiền học phí của gia đình, các sinh viên tình nguyện hoặc chính chủ nhà homestay sẽ dẫn bạn ra ngân hàng mở tài khoản. Điều cần lưu ý là ngân hàng sẽ thu những phí gì hoặc bạn có bị tính thêm bao nhiêu phí khi sử dụng thẻ.
NHỮNG TÌNH HUỐNG XẤU:
1. Bị yêu cầu kiểm tra hành lý ký gởi sau khi làm thủ tục check-in, hoặc khi đi qua máy quét anh ninh sân bay:
Điều này là hoàn toàn bình thường và không nên lo lắng nhiều.
Sau khi hoàn tất thủ tục check-in ở sân bay tại Việt Nam, bạn hãy đi đến cuối dãy của các quầy thủ tục, nơi đó là phòng đặt máy soi hành lý, và nhìn xem hành lý của mình có bị giữ lại hay không, nếu có thì hãy bình tĩnh, vào phòng giải trình với nhân viên hải quan.
Hoặc khi làm thủ tục kiểm tra an ninh, hành lý xách tay của bạn bị giữ lại. Hãy làm theo yêu cầu của nhân viên an ninh, mở hành lý để họ trực tiếp kiểm tra, họ sẽ không xóc tung hành lý lên đâu vì máy soi đã chỉ chính xác vị trí vật dụng khả nghi. Do đó, hành lý xách tay phải do chính bạn sắp xếp để bạn biết được trong hành lý có những gì và trả lời các câu hỏi của nhân viên an ninh trước khi được yêu cầu mở hành lý ra. Điều quan trọng là bình tĩnh và tự tin.
Đối với các sân bay quá cảnh tại Canada, bạn không cần tìm phòng soi hành lý ký gởi nhé, vì lực lượng an ninh của Canada sẽ có dụng cụ mở khóa hành lý để kiểm tra mà không yêu cầu hành khách có mặt tại chổ. Sau khi kiểm tra xong, họ sẽ khóa/dán lại hành lý cho bạn và dán lên hành lý tờ niêm phong thông báo đã kiểm tra.
2. Hành lý đến trễ hoặc thất lạc:
Nếu bạn không tìm thấy hành lý của mình, việc cần làm là liên lạc với nhân viên của hãng máy bay đặt tại sân bay, đưa cho họ luggage ticket, cung cấp thông tin cá nhân và làm theo yêu cầu của họ để thông báo sự cố về hành lý.
Nếu hành lý của bạn đến chậm thì hãng sẽ chuyển về nhà cho bạn (hoàn toàn miễn phí).
Hành lý của bạn sẽ bị tuyên bố là thất lạc sau 7 ngày đối với các chuyến bay nội địa và 14 ngày đối với các chuyến bay quốc tế, tính từ ngày bạn thông báo sự cố với nhân viên của hãng tại sân bay. Trong trường hợp này, nhân viên của hãng sẽ liên lạc với bạn để thông báo cần làm gì tiếp theo.
*Đối với các sự cố về hành lý, bạn hãy lưu lại boarding pass và luggage ticket để sau này làm việc với hãng máy bay nhé.
3. Không tìm được cổng để thực hiện check-in chuyến bay kế tiếp hay bị lạc đường:
Sân bay quốc tế ở các quốc gia khác khá lớn nhưng bạn chỉ cẩn để ý thông tin trên vé máy bay và nhìn những bảng chỉ dẫn là có thể dễ dàng tìm được đường đi. Nếu không chắc thì không nên tự ý đi, hãy hỏi bất kỳ nhân viên sân bay nào (thậm chí là cả nhân viên lau dọn vệ sinh), họ sẽ vui vẻ chỉ cho bạn, nếu cần, họ sẽ trực tiếp dẫn bạn đi. Một điều hữu ích khi hỏi những nhân viên này là khi bạn gần trễ chuyến bay, họ có thể thông báo cho bộ phận bay chờ bạn thêm một chút.
Đặc biệt, nếu thời gian transit của bạn quá ngắn, hãy báo với các tiếp viên hàng không trước khi máy bay đáp để họ sắp xếp cho bạn rời khỏi máy bay đầu tiên, và đừng ngại, hãy yêu cầu nhân viên an ninh cho phép bạn được kiểm tra trước để kịp chuyến bay kế tiếp.
4. Mất Hộ chiếu: Bạn nên mang theo bản sao CMND/Căn cước hoặc bằng lái xe Việt Nam qua Canada, để trong trường hợp hộ chiếu bị thất lạc, bạn cần cung cấp giấy tờ chứng minh nhân thân cho Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Ottawa để làm lại hộ chiếu mới.
Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Ottawa, tỉnh bang Ontario
Địa chỉ: 55 MacKay Street, Ottawa, K1M 2B2
ĐT: (613) 236 0772
Hotlines: 613-882-6699 hay 343-777-8384
Fax: (613) 236 2704
Website: https://www.vietnamembassy.ca/address
**Hướng dẫn cấp mới hộ chiếu: https://www.vietnamembassy.ca/ho-chieu-viet-nam


Phần III: Các bước làm thủ tục nhập cảnh Canada

Trước tiên, các bạn cần biết rằng Canada có hai sân bay quốc tế chính, đặt tại thành phố Vancouver và thành phố Toronto, trong trường hợp bạn muốn đến các thành phố khác của Canada thì bạn vẫn phải đáp tại một trong hai sân bay nêu trên trước rồi mới nối tiếp các chuyến bay nội địa khác.
Tại 2 sân bay này, các bạn sẽ phải làm một số thủ tục để nhập cảnh, lấy Study Permit, lấy hành lý và check-in lại cho chuyến bay nội địa, vì vậy, các bạn nên lưu ý trừ hao thời gian quá cảnh ít nhất là 3 tiếng để có thể thong thả hoàn tất các việc trên.
Canada hiện nay đã chuyển sang lấy thông tin bằng phương thức điện tử nên khi chuẩn bị đáp xuống sân bay, các bạn sẽ không được phát bất cứ tờ khai bằng giấy nào cả, thay vào đó, các bạn sẽ phải tự nhập thông tin ở các máy tính đặt sẵn ở sân bay.
Bước 1: Nhập thông tin và lấy tờ khai điện tử tại sân bay.
Sau khi ra khỏi máy bay, bạn đi theo dòng người xuống thang cuốn đến sảnh lớn, tại đây có rất nhiều cột máy để nhập thông tin điện tử, bạn cứ chọn nhanh lấy một cột rồi bắt đầu thao tác. Bạn sẽ phải đặt hộ chiếu và visa vào máy để quét, sau đó máy sẽ tự động hiện thông tin cá nhân của bạn lên màn hình, nhớ kiểm tra kỹ thông tin và nhìn xem thông tin mã chuyến bay vừa đáp xuống của mình có chính xác chưa nhé.
Tiếp theo, máy sẽ hiện vài câu hỏi đơn giản để bạn trả lời như tới từ đâu, mục đích đến Canada làm gì, địa chỉ của bạn ở Canada, điểm đi kế tiếp là gì, đi bao nhiêu người, sau đó máy sẽ yêu cầu bạn nhìn thẳng vào máy rồi ấn nút chụp hình để lấy hình ảnh nhận dạng tại chỗ. Sau đó, bạn sẽ bấm chọn câu trả lời của tờ khai hải quan ví dụ có đem theo vũ khí không, có đem theo thức ăn hoặc vật phẩm đặc biệt không... Rồi nhập vào số ngày sẽ ở lại Canada, bạn nên nhập ngày theo thư mời học (acceptance letter), rồi bấm nút đồng ý cam đoan thông tin đúng sự thật.
Hoàn tất khâu nhập thông tin, máy sẽ in ra tờ khai hải quan khá dài, trên đó gồm hình chụp của bạn cùng những thông tin bạn vừa mới nhập vào máy.
Bước 2: Đi đến quầy an ninh thứ 1
Bước này bạn chỉ cần xếp hàng để đưa nhân viên an ninh tờ khai hải quan cùng với passport để họ đóng dấu là xong.
Bước 3: Đi đến quầy an ninh thứ 2
Tại đây bạn cần đưa nhân viên an ninh tờ khai đã được đóng dấu và passport để họ xem. Nhân viên an ninh sẽ hỏi bạn vài câu như đến đây làm gì, đến từ đâu, sau đó căn cứ vào thông tin của tờ khai hải quan, họ sẽ hỏi tiếp thư mời học, thư đồng ý cấp visa mà Lãnh sự Canada tại Việt Nam cấp cho bạn qua email trước khi gởi trả passport về nhà.
Bước 4: Lấy hành lý và làm thủ tục lấy Study Permit
Sau khi được phép nhập cảnh, bạn cứ đi thẳng ra băng chuyền để lấy hành lý, và sau đó phải quay lại văn phòng có ghi chữ “Immigration” nằm kế bên quầy an ninh số 2 để làm thủ tục lấy Study Permit. Trước cửa phòng sẽ có người hướng dẫn bạn chỗ để xe đẩy hành lý để bạn rảnh tay vào phòng làm thủ tục.
Tại đây, bạn phải xếp hàng chờ tới lượt, rồi trình tờ khai hải quan, thư đồng ý cấp visa của Lãnh sự Canada tại Việt Nam*, hộ chiếu, thư mời học cho nhân viên ngồi sau quầy, có thể họ sẽ hỏi bạn vài câu liên quan đến việc học, sau đó bạn phải đợi thêm một lúc nữa để họ in Study Permit ra giao cho bạn.
(*Trước khi bạn được thông báo cấp visa, Lãnh sự Canada tại Việt Nam sẽ gởi email cho bạn hoặc cty dịch vụ mà bạn đang làm hồ sơ 1 email thông báo, hoặc nếu bạn nộp đơn online thì Lãnh sự sẽ gởi thư vào account online của bạn. Email này thực chất là 1 thư thông báo đồng ý cấp visa cho bạn và có ghi rõ trong thư rằng bạn phải in thư ra để trình cho hải quan cửa khẩu Canada. Nếu bạn nào chưa có thư mà đã nhận lại passport có dán visa, hãy liên hệ với Lãnh sự ngay để yêu cầu gởi lại nhé.)
Khâu làm Study Permit này khá mất thời gian, có thể sẽ từ 50 phút tới 3 tiếng để hoàn tất, nên sau khi được cấp Study Permit, một số bạn sẽ có tâm lý muốn rời khỏi sân bay ngay. Tuy nhiên, lời khuyên của chúng tôi là các bạn nên lưu ý nán lại một tí, kiểm tra kỹ thông tin ghi trên Study Permit, nếu có sai sót thì bảo họ chỉnh lại ngay để không phải gặp rắc rối về sau.
Bước 5:
Nếu các bạn bay tiếp chuyến nội địa thì tìm đường tới quầy check-in để làm tiếp thủ tục và gởi hành lý. Còn bạn nào học tại ngay Vancouver hoặc Toronto thì sẽ dễ dàng hơn, bạn cứ tiến thẳng ra chỗ hẹn với người đi rước. Trong sân bay có wi-fi miễn phí nên nếu không gặp người rước thì bạn cần liên lạc với họ chứ đừng tự ý đón taxi đi về nhé.


Comments

Vui lòng đăng nhập trước
Post được báo rác nhiều sẽ bị xóa
Loading...