Vietnamese Expats

Cho đi là để nhận lại
Google badgeiOs badge
2 năm trước
updated 2 năm trước
Đi hay ở?
Shared tại https://www.facebook.com/groups/KetNoiVietCa/permalink/3796774437048882

Phần 1

Câu hỏi thường được đặt ra bởi những người đang có ít nhiều thuận lợi trong công việc tại quê hương. Mình cũng đã từng tự hỏi câu này, sau một thời gian dài gạt phăng những lời rủ rê đi tìm chân trời mới ở những miền đất hứa. Tất cả chỉ vì nổi lo: QUA ĐÓ LÀM GÌ ĂN?!
ĐI hay Ở? –> ĐI!
Có ai đó (xin lỗi quên tên rồi) đã từng trả lời rằng: một khi đã có câu hỏi này trong đầu tức là mình đã muốn ĐI.
QUA ĐÓ LÀM GÌ ĂN sẽ được bàn tới trong phần sau, trong bài này tôi chỉ muốn gói gọn vô chủ những cái được và mất giữa ĐI và Ở. Tất nhiên, mỗi hoàn cảnh sẽ có những cái được, mất khác nhau nhưng có những thứ chỉ ĐI sẽ mất tất và cũng có những thứ ĐI mới có. Người thân, bạn bè, công việc làm ăn hiện tại là những thứ không thể mang theo khi ĐI. Không khí trong lành, ít ô nhiễm, nền y tế và giáo dục tiên tiến, tuổi thơ lành mạnh của con trẻ, xã hội an toàn… là những thứ không thể mua được bằng bất kỳ giá nào nếu Ở.
Trong lần qua thăm cháu vừa rồi, mẹ tôi đã vô cùng ngạc nhiên và không ngớt lời khen ngợi: “mẹ không thấy một đứa con nít nào ngoài công viên tranh giành đồ chơi hay gây gổ với nhau. Con nít nhỏ mà đứa nào cũng lịch sự và biết nhường nhịn bạn”.
Tôi rất hiểu những băn khoăn và tiếc nuối vì đi làm cả chục năm (hoặc hơn) mới tạm gọi là yên ổn, có của ăn của để chút đỉnh, những nỗi lo phải bắt đầu lại từ đầu nơi xứ lạ quê người với bao nhiêu rủi ro không thể lường hết. Nhưng tôi cũng thường xuyên nghe: “gia đình kia con bệnh phải bán cả gia tài để ra nước ngoài chữa bệnh”. Sống ở một nơi mà sự an toàn của chính mình và gia đình không có thì liệu kiếm nhiều tiền có còn ý nghĩa?! (còn tiếp)

Phần 2

QUA ĐÓ LÀM GÌ ĂN? à Việc không thiếu!
Đúng là như vậy, việc ở đây không thiếu, quan trọng là mình có làm hay không? Nếu bạn đòi hỏi một công việc tương tự như việc bạn đang làm ở quê nhà thì xin nói thẳng rằng 99% là không có! Bạn không hiểu biết gì về Canada, bằng cấp của Việt Nam tất nhiên là không được các nước phát triển công nhận.
Nếu bạn có tiền, có thể tự kinh doanh kiếm tiền mà không cần đi làm (Vd: mua nhà cho thuê, mua cửa hàng franchise hoặc tự mở cái gì đó kinh doanh…). Nếu không có nhiều tiền, có thể làm công việc chân tay. Những việc chân tay thường không khó kiếm, ngay cả với những người không biết nhiều tiếng Anh hoặc/và Pháp. Thu nhập từ những công việc chân tay (với người chưa có kinh nghiệm) tuy mức lương không cao nhưng cũng không đến nỗi cả gia đình phải đói. Không giống như ở quê nhà, đồng lương công nhân của cả hai vợ chồng không đủ trang trải chi phí. Nếu cả hai vợ chồng cùng đi làm công nhân thì vẫn sống khoẻ ở Canada.
Còn nếu muốn một công việc văn phòng, bạn cần phải đi học lại. Có thể tham gia những khoá học ngắn hay dài hạn tuỳ theo khả năng. Hai vợ chồng có thể thay phiên nhau đi học để đảm bảo gia đình luôn có ít nhất một nguồn thu nhập. Nếu còn thiếu hụt (đặc biệt là gia đình có con nhỏ), người đi học có thể vay student loan để tạm thời trang trải chi phí. Những gia đình có thu nhập thấp còn được grant (cho) khoảng gần $2000/ năm (ở BC, không biết các tỉnh khác có giống không nha!)
Tóm lại, đã ĐI được thì không đến nổi phải đói. Nếu có một ít tiền dự trữ để trang trải chi phí trong 1, 2 năm đầu thì mọi thứ không đến nỗi quá khó khăn. Tất nhiên, trước khi ĐI phải xác định rằng thời gian đầu là rất khó khăn, lạ nước lạ cái, đường xá không biết, ngôn ngữ không rành, đến đi chợ cũng chẳng biết đi đường nào, chưa kể không biết lái xe, không bạn bè, người thân, nhà hư không biết sửa… Rồi những khó khăn trong công việc do khác biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hoá (ngay cả khi đi làm với người Việt)… Cái gì cũng lạ lẫm nhưng phải xác định những khó khăn đó là tạm thời để tự động viên bản thân mà tiếp tục cố gắng. Thường sau 2 năm đầu, mọi thứ sẽ dễ dàng và suôn sẻ hơn.

Phần 3

ĐI ĐÂU và ĐI KIỂU GÌ?
--> Đâu được thì đi!
Dạo lòng vòng các group của cộng đồng Việt Nam tại các nước như Canada… chắc chắn các bạn sẽ bắt gặp những câu hỏi đại loại như: “nếu đi Canada thì đi tỉnh nào là tốt vậy mọi người?” hoặc “Chỗ nào ở Canada không quá lạnh mà dễ kiếm việc vậy?”v.v. Xin lỗi, các bạn nếu có những suy nghĩ như trên thì nên tự hỏi câu: “ai là người có quyền quyết định trong việc này?”. Tất nhiên chuyện ĐI hay Ở là do bạn quyết định nhưng ĐI ĐÂU và ĐI NHƯ THẾ NÀO thì phải tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người. Không phải cứ rải tiền ra là chính phủ Canada mừng rỡ trải thảm đỏ “mời cả nhà vô chơi” đâu!
Thực tế là như vậy. ĐI tất nhiên là tới những nước phát triển và nhiều cơ hội hơn so với quê nhà. Vì vậy cần phải hiểu rằng mình không có nhiều quyền chọn lựa nơi đến và cách đến, nôm na là “không phải như vô nhà hàng gọi menu để lựa”. Tuỳ theo kinh nghiệm làm việc, điều kiện tài chính, trình độ học vấn, trình độ tiếng Anh hoặc/và Pháp mà mỗi người sẽ phù hợp với những chương trình ở cấp tỉnh bang hay cấp liên bang khác nhau. Canada có 13 tỉnh và vùng lãnh thổ với nhiều khác biệt về địa lý, khí hậu, mật độ dân số, sắc dân, điều kiện kinh tế và chính sách định cư… Đủ điều kiện để định cư theo một chương trình nào đó, chủ quan mà nói, là một may mắn của người muốn ĐI.
Hãy xem bạn thuộc nhóm nào sau đây nhé:
1. Nhiều kinh nghiệm làm việc, học vấn cao, tiếng Anh hoặc/và Pháp giỏi & tuổi tương dối trẻ
Chương trình skilled worker của liên bang và các “stream/category” riêng cho international skilled workers mà không cần job offer, tuy nhiên để nộp được là chuyện không đơn giản. Nếu bạn thực sự xuất sắc và có eligible job offer từ Canada thì chúc mừng bạn, không thể tốt hơn!
2. Nhiều năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao, trình độ học vấn và tiếng Anh hoặc/và Pháp tương đối, tài chính tốt
Mặc dù chương trình đầu tư liên bang Canada đã ngưng từ 2014 và thay bằng chương trình có yêu cầu cao hơn và “quota” ít hơn rất nhiều, tỉnh Quebec vẫn chào đón các bạn, tuy nhiên thời gian giải quyết hồ sơ khá lâu. Nếu tài chính chỉ ở mức tương đối có thể xem xét các chương trình đầu tư của tỉnh bang. Start-up visa cũng là một khả năng, tuy nhiên chương trình này không phải dành cho tất cả mọi người.
3. Kinh nghiệm làm việc tương đối, tài chính vừa đủ, tiếng Anh hoặc/và Pháp không quá xuất sắc
Du học có lẽ là giải pháp cuối cùng. Với một tấm bằng từ một trường được công nhận ở Canada, bạn có thể tự tìm kiếm cơ hội cho mình trong thời hạn của một post-graduation work permit. Học cấp nào hay ngành gì hay ở đâu không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Bởi vì, thực ra đối với rất nhiều người, mục tiêu cuối cùng không phải là có được tấm bằng do một trường ở Canada cấp, mà chính là cái thẻ thường trú nhân. Chính vì vậy, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bắt đầu. Tôi thành thật không khuyên các bạn nộp hồ sơ cho đậu visa rồi sau đó đổi ngành/trường/cấp. Hãy tự hỏi bản thân nếu bạn là người duyệt hồ sơ, người luôn đặt lợi ích của Canada trên hết, bạn sẽ “có cảm tình” hay sẽ “soi” hồ sơ xin thường trú nhân cho người đã từng lừa dối mình hay không?
Nếu bạn không thuộc 1 trong 3 nhóm trên, khoan hãy vội buồn hay thất vọng. Vẫn còn đó những cơ hội khác như một eligible job offer dành cho một người thợ lành nghề hay một học bổng thạc sỹ/nghiên cứu sinh toàn phần dành cho một nhà khoa học xuất sắc (cần lưu ý có một vài học bổng được cấp kèm điều kiện phải trở về nước sau khi xong)…
Cơ hội chỉ tới với những ai thực sự cố gắng và nỗ lực hơn 100% khả năng. Nếu đã chọn ĐI, đừng để rào cản nào ngăn bước bạn…
(c) April Ngo


Comments

Vui lòng đăng nhập trước
Post được báo rác nhiều sẽ bị xóa
Loading...