Shared tại https://www.facebook.com/notes/399693233506934/
Các lựa chọn về nơi ở cho sinh viên và gia đình
Bài viết chia sẻ về các lựa chọn về nhà ở cho sinh viên du học tại Úc.
Bài viết đã được đăng tải trên trang của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam: https://www.facebook.com/notes/australia-in-vietnam/my-australia-nơi-ở-của-sinh-viên/707192142628973
Đây là bản đã chỉnh sửa của bài viết trên.
Đối với sinh viên sang Úc du học, thứ khó ổn định nhất và khoản chi tiêu nhiều nhất hàng tuần chính là nhà ở. Đối với các bạn sinh viên mang theo gia đình sang thì việc thuê nhà càng khó khăn hơn.
1. Chỗ ở tạm thời
Khi chưa sang, các bạn sẽ rất lo lắng về nơi ở. Phải công nhận 2 điều rằng, 1. Chỗ ở tạm thời ở Úc rất đắt, thường không dưới 100đô/đêm và 2. Để tìm được chỗ ở lâu dài khi vẫn còn ở Việt Nam là điều rất khó khăn.
Chỗ ở tạm thời (temporary stay) là lựa chọn khi bạn muốn ở tạm một thời gian trước để có thời gian đi tìm chỗ ở lâu dài. Chỗ ở tạm thời có 3 hình thức: Do trường cung cấp, do bạn thuê khách sạn ở ngoài và bạn tự tìm được bạn bè/người thân hoặc chủ nhà cho phép ở tạm thời.
Đa số các bạn đều hỏi han người thân, bạn bè, hỏi trên các diễn đàn, hội sinh viên vv để tìm được một chỗ ở tạm thời. Đây là lựa chọn tốt. Có rất nhiều bạn rộng lượng sẵn sàng cho các bạn bè ở cùng phòng tạm thời vài hôm đến 1 tuần khi mới sang để bạn có thời gian đi tìm nhà. Cũng có những chủ nhà đồng ý cho bạn thuê 1 phòng trong vòng vài tuần, nếu sau đó bạn thấy ở được thì ở lâu dài, nếu không thì bạn tìm chỗ khác. Các bạn nên hỏi kỹ và xác nhận điều kiện ở tạm thời trước khi ở, nhất là trong trường hợp với chủ nhà bởi vì nếu có vấn đề gì họ sẽ không trả lại tiền bond cho bạn. Không nên vướng vào các hợp đồng ở lâu dài hoặc các mời gọi take over phòng/nhà khi bạn cảm thấy mình không được cung cấp đầy đủ thông tin và điều kiện nhà ở như thế nào. Có những người muốn gỡ tiền bond từ chủ nhà bằng cách thế bạn vào ở thay và thu tiền bond từ bạn thay vì đòi từ chủ nhà thì các bạn không nên vướng vào bởi chủ nhà cũng rất khôn, họ biết thừa bạn là người mới, nếu bạn take over phòng, chủ nhà vẫn yêu cầu bạn trả bond bình thường và như thế, bạn mất 2 lần tiền bond. Giá thuê phòng ở tạm thời (1 vài tuần) thường cao hơn giá ở lâu dài. Nếu bạn ở với bạn bè thì chi phí thấp hơn, nhưng bạn cũng nên hỏi rõ về chi phí và gửi tiền phòng, tiền ăn (nếu có) trong những ngày bạn share phòng đó (số tiền này vẫn rẻ hơn rất nhiều so với bạn đi thuê khách sạn hay thuê phòng ở tạm thời như dưới đây). Nhưng bạn phải hỏi rõ ràng trước vì có lần mình đã phải gửi cả trăm đô cho người bạn cho mình ở nhờ 1 ngày (mà ngày hôm đó mình lỡ chuyến bay không sang kịp) vì bạn ấy nói do mình đến ở mà bạn ấy phải đi thuê khách sạn ở ngoài và yêu cầu mình thanh toán tiền khách sạn cho bạn ấy.
Nếu bạn không ở nhờ được nhà bạn bè thì đa số các trường đều có dịch vụ chỗ ở tạm thời cho sinh viên, tuy nhiên, dịch vụ này rất đắt đỏ, khoảng gần 100đô/ngày. Nếu bạn đi thuê khách sạn ở ngoài còn đắt hơn. Do đó chỉ khi nào không tìm được chỗ khác thì mới phải sử dụng đến dịch vụ này.
2. Ký túc xá
Cách thuận tiện nhất với sinh viên là vào ký túc xá ở, vì ở trong đó môi trường tốt, có các cơ sở vật chất phục vụ vui chơi giải trí, thể thao, có nhiều bạn bè cùng ngành, có nhiều hoạt động để tham gia giao lưu với bạn bè quốc tế, và thường ký túc xá ở gần trường, tiện cho việc đi lại, học hành.
Tuy nhiên không phải lúc nào sinh viên cũng có thể vào ký túc xá. Vì nhu cầu ở ký túc xá cao, số phòng lại ít, ít bạn may mắn được nhận ngay vào ở trong ký túc xá. Có trường chỉ ưu tiên sinh viên mới nhập học ở ký túc xá kỳ đầu tiên, kỳ sau phải ra ngoài để nhường chỗ cho các sinh viên mới nhập học. Bên cạnh đó, về mặt tài chính tiền phòng trong ký túc xá thường cao hơn so với tiền phòng trung bình ở ngoài khiến nhiều bạn sinh viên băn khoăn trước lựa chọn vào ký túc xá ở. Ngoài ra, tuy có một số trường hỗ trợ cho sinh viên có gia đình nhưng đa số trường chỉ có ký túc xá cho sinh viên độc thân, và do đó, nếu sinh viên mang theo gia đình, nhất là có con nhỏ thì thường không được phép ở trong ký túc xá. Vì những nguyên nhân trên, lựa chọn của sinh viên, đặc biệt là sinh viên có gia đình thường là tự thuê ở ngoài.
Ký túc xá - một nơi ở lý tưởng cho các bạn sinh viên độc thân.Ký túc xá - một nơi ở lý tưởng cho các bạn sinh viên độc thân.
Với việc ở ngoài ký túc xá, sinh viên lại có ba lựa chọn: ở homestay, thuê 1 phòng trong một ngôi nhà nào đó (house share), hoặc là thuê cả ngôi nhà (rent a house/flat).
3. Home stay
Homestay là một lựa chọn phù hợp với các bạn sinh viên undergraduate hoặc trẻ hơn. Ở homestay có ích lợi là không phải lo về việc nấu nướng, ăn uống và đây là một cơ hội tốt để sinh viên giao tiếp, học tiếng Anh và hơn cả là hiểu biết thêm về văn hóa bản địa. Khi ở homestay thì nên tìm nhà thông qua trường vì đa số các trường đều có dịch vụ hỗ trợ sinh viên tìm nhà homestay, và các trường thường giữ một danh sách các hộ gia đình đủ tiêu chuẩn để sinh viên có thể ở homestay một cách an toàn và tiện nghi. Tuy nhiên, giá ở homestay thường cao hơn nhiều so với giá thuê phòng. Hơn nữa nhiều bạn không phù hợp với lối sống hay thức ăn của chủ nhà, dẫn đến việc các bạn không ăn được hay cảm thấy bất tiện khi phải theo thói quen và lối sống của chủ nhà. Vì vậy, rất ít bạn sinh viên ở homestay lâu dài. Thường sau 1-2 học kỳ đã quen với cuộc sống ở Úc thì các bạn cũng chuyển ra ngoài sống.
4. House share, rent a room
Khi ra ngoài, lựa chọn thuê một phòng trong nhà (house/flat share) dễ dàng hơn nhiều so với việc thuê cả căn nhà, vì số tiền yêu cầu thấp hơn, ít thủ tục giấy tờ hơn và thường chủ nhà cũng dễ dàng nhận sinh viên thuê 1 phòng hơn. Tuy nhiên, lựa chọn thuê một phòng này thường chỉ áp dụng được với sinh viên ở 1 mình. Với những bạn sinh viên có mang theo gia đình, đặc biệt là con nhỏ thì rất khó có chủ nhà nào chấp nhận cho cả gia đình sống trong 1 phòng. Và do đó, họ thường phải lựa chọn phương án khó khăn nhất: thuê cả một ngôi nhà (house rent).
5. Rent a house/flat
Như ở trên nói, việc đi thuê cả một ngôi nhà, đặc biệt là qua đại lý nhà đất (agent) là một việc cực kì khó khăn.
Việc đi thuê nhà ở Úc rất đắt đỏ, và được quản lý rất chặt chẽ, phải thông qua các thủ tục thật sự phức tạp. Về mặt tài chính, Mỗi khi thuê nhà, sinh viên phải chuẩn bị tối thiểu 4 tuần tiền đặt cọc (bond) và 2 tuần tiền nhà trả trước. Với giá nhà thuê càng ngày càng đắt đỏ như hiện nay, mỗi căn nhà thường không dưới 300 đô/tuần chưa kể điện nước, và số tiền sinh viên phải chi ngay từ đầu để thuê cả một căn nhà 2-4 phòng ngủ sẽ gấp 6 lần so với số tiền thuê 1 tuần ở trên, và thường dao động từ hơn 1500AUD-4000AUD tùy theo điều kiện nhà và vị trí. Đây là một khoản tiền không nhỏ.
Ngay cả khi có khoản tiền mặt này rồi, sinh viên vẫn phải vượt qua khâu chứng minh tài chính. Người đi thuê nhà phải chứng minh được thu nhập của mình ít nhất là gấp đôi, nếu không phải là gấp 2.5 lần so với số tiền thuê nhà hàng tháng. Đây quả thực là một điều khó khăn với sinh viên bởi số giờ làm bị hạn chế 20 giờ/tuần. Với sinh viên có học bổng thì đỡ hơn, nhưng sinh viên không có học bổng thì đây gần như là điều không tưởng. Bởi vậy, các bạn sinh viên thường cùng nhau nộp hồ sơ thuê nhà để có hồ sơ tài chính mạnh hơn.
Khi đã vượt qua được vấn đề tài chính, rất nhiều sinh viên vẫn bị trượt khi nộp hồ sơ thuê nhà vì nhiều lý do như hồ sơ không cạnh tranh được với những người nộp hồ sơ khác, đặc biệt với người Úc có công việc toàn thời gian, hay vì lý do reference. Khi viết tên những người làm referee, cần phải cẩn trọng và có sự chuẩn bị trước bởi referee là đặc biệt quan trọng khi xét hồ sơ xin thuê nhà. 100% đại lý hoặc chủ nhà sẽ liên hệ với referee để kiểm tra. Do đó nên gọi điện hoặc nói chuyện trước với người làm referee để họ có sự chuẩn bị trước. Ít bạn sinh viên nào nộp hồ sơ thuê nhà là được luôn nên không nên nản chí khi hồ sơ bị loại và nếu có thể nên nói chuyện với đại lý một cách thẳng thắn để tìm hiểu lý do bị loại để chuẩn bị hồ sơ tốt hơn cho việc nộp ngôi nhà tiếp theo.
Tóm lại, việc có một chỗ ở ổn định, lâu dài với giá cả phù hợp đối với sinh viên du học là một việc đòi hỏi nhiều công sức. Nếu bạn thấy mình tìm được một nơi ở thật dễ dàng và đơn giản thì xin chúc mừng bởi vì bạn thật may mắn.
Cách tìm nhà, thủ tục và các tips để thuê nhà
Các bước để tìm nhà và thuê nhà ở Úc như sau các bạn nhé! Đặc biệt hướng dẫn chi tiết cụ thể cho các bạn muốn thuê cả căn nhà cho gia đình.
1. Chọn địa điểm thuê
Khu vực là một điều cực kỳ quan trọng cần cân nhắc khi thuê nhà.
Thứ nhất cần cân nhắc chính là khoảng cách đến trường, đến nơi bạn làm và đến các dịch vụ xã hội mà bạn sử dụng thường xuyên. Khoảng cách và cách thức đến trường là điều ảnh hưởng lớn đến giá thuê nhà bởi vì nếu bạn ở quá xa và phải sử dụng phương tiện công cộng hoặc lái xe đến trường, bạn cần phải cộng thêm chi phí đi lại vào tiền thuê nhà thực tế, chưa kể thời gian đi lại. Ví dụ một tuần thuê nhà $150 bạn đi bộ đến trường thì sẽ khác $150 mà bạn phải bắt public transport (mất khoảng 30-40$/tuần) nữa, cộng với thời gian đi lại mỗi ngày.
Khu vực xung quanh trường là rất lý tưởng, không nhất thiết phải ở khoảng cách đi bộ vì có nhiều trường có security bus miễn phí phục vụ sinh viên sống trong chu vi khoảng 2km quanh trường nên bạn tìm hiểu về dịch vụ bus này trước khi lựa chọn thuê nhà (thường có thông tin và map trên trang web của trường). Nhà mình có bus miễn phí của trường dừng ngay trước cửa, rất tiện đi học và an toàn.
Bạn ở xa trường để chi phí nhà ở rẻ cũng không sao, nhưng cần ở gần bến xe buýt, bến tàu để tiện đi lại và đảm bảo an toàn cho bạn. Trước khi thuê nhà lên google maps đánh địa chỉ nhà thuê, vào directions, đánh địa chỉ trường vào và click directions, google maps sẽ cho bạn biết chính xác đi từ chỗ nhà định thuê đến trường bao nhiêu km. Nếu bạn định dùng phương tiện công cộng thì vào website của các công ty vận chuyển của các thành phố (ví dụ transperth của Perth, http://ptv.vic.gov.au/ của Melbourne), vào phần journey planner, đánh địa chỉ nhà thuê và địa chỉ trường vào, website sẽ báo chính xác phải đi bộ bao nhiêu mét đến bến xe buýt/tàu, đi mấy chuyến bus/tàu, thời gian đợi chuyển tuyến là bao nhiêu và mất bao nhiêu thời gian cho tổng chuyến đi.
Nếu bạn có con thì có thêm một số điều cần cân nhắc như nơi ở có gần trường học của con không? Trường đó có tốt không, vv bởi nhiều khi đưa đón con đi học cũng là cả một vấn đề đối với cha mẹ.
Thứ hai cần cân nhắc chính là an ninh khu vực bạn định thuê. Có những khu vực ở gần người Úc Thổ dân sẽ rất không an toàn (mình không có ý phân biệt chủng tộc nhưng đây là một thực tế cần cân nhắc). Mình có lần đi làm ở một khu vực không an toàn lắm, buổi tối hôm đó toàn bộ 12 chiếc xe của nhân viên đều bị đập nát cửa kính xe và lục lọi. Có bạn mình ở khu vực không an toàn, bị cướp xe, bị đột nhập vào nhà, vv thường xuyên.
2. Tìm nhà ở đâu?
Sau khi bạn đã xác định khu vực mình định ở thì cần tìm nhà ở khu vực đó để thuê. Có một số nguồn bạn có thể tìm được nhà:
- Hỏi bạn bè, người thân: Bạn nên hỏi ở bạn bè/người thân xem có ai có biết chỗ nào cho thuê nhà không. Họ có thể có bạn bè khác muốn cho thuê lại nhà/phòng.
- Housing service của trường: Hầu như trường nào cũng có dịch vụ giúp sinh viên tìm nhà. Housing service không những chỉ cho bạn các nhà cho thuê (do chủ nhà đem đến đăng ký với housing service) mà còn có thể đưa bạn đến tận nơi xem nhà (tất nhiên chỉ xem 1-2 nhà thôi). Các bạn hãy tận dụng dịch vụ miễn phí này của trường nhé!
- Tìm nhà trên website, forum, group, page của các hội sinh viên của trường, các hội sinh viên Việt Nam của trường, của thành phố nơi bạn ở. Các bạn hãy vào bài viết này https://www.facebook.com/notes/vitamin-xách-tay-úc/các-hội-du-học-sinh-việt-nam-tại-các-trường-đại-học-của-úc/401666303309627 để có danh sách đầy đủ hội sinh viên các trường/các thành phố ở Úc nhé. Có nhiều bạn thuê được cả căn hộ muốn cho thuê lại 1 vài phòng, và cũng có những chủ nhà đăng lên để cho thuê nhà hoặc phòng tại các forum này.
- Tìm nhà trên gumtree: cũng là nơi bạn có thể dễ dàng tìm kiếm nhà/phòng cho thuê. Với gumtree thì bạn dễ tìm được các chủ nhà cho thuê cả căn nhà và những người cho thuê từng phòng.
- Tìm trên trang của các đại lý nhà đất (real estate agents) lớn như realestate.com.au, reiwa, professional, century 21, etc: Đây là các nhà do các đại lý quản lý (không phải chủ). Lựa chọn nhà do các đại lý quản lý thì nhìn chung là quy trình rất chuẩn mực, cạnh tranh cao, và cũng khó thuê hơn thuê trực tiếp qua chủ, nhưng các bạn sẽ có nhiều lựa chọn.
3. Quy trình thuê nhà và các tips chuẩn bị hồ sơ mạnh
Bước 1 là tìm nhà và xác định nhà định thuê.
Bước 2: Xem ngày open day của nhà (mỗi nhà cho thuê thường có 1,2 buổi open day để những người muốn thuê đến xem) và thu xếp đến xem. Các buổi open này thường rất ngắn, chỉ 15 phút – 1 tiếng thôi nhưng rất quan trọng đối với cả bạn lẫn chủ nhà/đại lý. Hiện giờ có những đại lý chỉ cấp đơn xin thuê nhà cho những người đến xem, họ không cấp đơn cho những người không xem nhà. Khi đến bạn có thể tận mắt kiểm tra các điều kiện của nhà: nhà có mới không, cỡ phòng có phù hợp với bạn không, khu vực có an toàn không, nhà nấu bằng ga hay điện, có điều hòa, lò sưởi hay không, vv. Có câu hỏi gì bạn có thể hỏi trực tiếp chủ nhà hoặc agent vào thời điểm đó để đưa ra quyết định có thuê nhà hay không.
Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ và tài chính cho việc thuê nhà.
Tài chính: Trước khi quyết định thuê nhà bạn phải chuẩn bị một khoản tiền lớn là 6 tuần tiền nhà (trong đó trả trước 2 tuần tiền nhà và khoản bond tương đương 4 tuần tiền nhà). Nhân đây mình cũng giải thích luôn, bond là một khoản tiền bạn phải nộp cho chủ nhà/agent khi bạn bắt đầu thuê một căn phòng/ngôi nhà nào đó. Theo luật thì khoản tiền này không quá 4 tuần tiền nhà. Trong hồ sơ bạn có thể lựa chọn để chủ nhà/agent giữ bond hoặc gửi lên một bên thứ 3 ví dụ Department of Commerce. Khoản này là để đảm bảo cho các thiệt hại bạn gây ra khi ở trong nhà, hoặc các chi phí liên quan. Đến khi bạn chuyển ra khỏi nhà thì 2 bên sẽ xác định và thống nhất các khoản phí (ví dụ phí làm sạch thảm chuyên nghiệp, phí dọn vệ sinh chuyên nghiệp, phí sữa chữa các hỏng hóc, thiệt hại do bạn gây ra như tường bẩn phải sơn lại, cây chết, vvv). Hai bên ký kết thỏa thuận về cách xử lý tiền bond. Bạn sẽ nhận được khoản tiền bond ban đầu trừ đi các khoản phí nói trên. Phần các khoản phí sẽ được gửi cho chủ nhà/agent.
Về tài chính, tiền thuê nhà chỉ nên chiếm dưới 40% tổng thu nhập của bạn. Ví dụ bạn thuê một ngôi nhà 400 đô/tuần, thì một tuần bạn phải kiếm được khoảng 1000 đô trở lên. Nếu học bổng và lương của bạn không đủ như trên sẽ rất khó thuê được nhà, khi đó bạn phải nghĩ đến việc cùng bạn bè nộp hồ sơ. Thu nhập của 2-3 người lúc nào cũng mạnh hơn thu nhập của riêng một người.
Các giấy tờ tài chính bạn có thể cần chuẩn bị là thư xác nhận mức học bổng, pay slip của các công việc bạn đang làm, sao kê tài khoản ngân hàng (nếu có khoản tiền tiết kiệm lớn trong đó thì hồ sơ càng mạnh).
Hồ sơ thuê nhà còn kèm theo đơn xin thuê nhà, một số giấy tờ do agent đưa cho bạn (thường là thông tin về ngôi nhà), ID của bạn và những người dự định thuê nhà và một số giấy tờ liên quan khác, ví dụ như written reference nếu bạn không định có reference có số điện thoại. Hồ sơ còn kèm một khoản đặt cọc 2 tuần tiền nhà, nếu bạn được chọn thuê nhà đó, khoản này sẽ thành tiền thuê 2 tuần đầu tiên, còn nếu bạn không được chọn bạn sẽ được trả lại khoản tiền này. Nếu bạn được chọn mà bạn từ chối thì đại lý sẽ giữ luôn khoản tiền này coi như phí xử lý hồ sơ. Hiện nay một số đại lý không yêu cầu nộp khoản tiền này nữa.
Chuẩn bị reference: Reference là một điều cực kỳ quan trọng khi đi thuê nhà. Thường các đại lý/chủ nhà sẽ yêu cầu được gọi điện thoại cho chủ nhà cũ để hỏi xem bạn ở như thế nào, có trả tiền đúng hạn không, có gây ồn ào, xích mích không, có giữ gìn nhà cửa không, vv. Nếu trong quá trình ở nhà cũ bạn có xích mích với chủ nhà thì tốt nhất trước khi chuyển ra nói chuyện thẳng thắn và xin họ một thư giới thiệu viết tay có chữ ký để họ không đưa ra các thông tin bất lợi cho việc bạn thuê nhà tiếp theo. Ngoài reference là chủ nhà cũ, bạn có thể để các reference khác là bạn bè/đồng nghiệp/thầy cô, vv. Nên nói trước với người định làm reference để họ có sự chuẩn bị. 100% đại lý sẽ gọi điện đến reference để kiểm tra vì đây là quy trình bắt buộc trong công việc của họ. Có trường hợp do không chuẩn bị trước, người làm referee khi được đại lý gọi điện thì lại bảo: Tôi không biết người đó. Thế là bạn đã trượt do một sự bất cẩn không đáng có.
Bước 4: Nhận kết quả.
Sau các bước xét hồ sơ, đại lý sẽ gọi điện cho bạn để thông báo kết quả nhà. Nếu họ báo trượt thì bạn nên nói chuyện thẳng thắn và khéo léo, hỏi lý do tại sao trượt để bạn biết còn chuẩn bị cho hồ sơ thuê nhà tiếp theo. Nếu bạn được chọn thuê nhà, cần xác định một cách rõ ràng là bạn chấp nhận hay từ chối. Có bạn mình khi nhận kết quả được nhà, đồng ý mà không rõ nói điện thoại với đại lý thế nào làm họ tưởng bạn ấy từ chối. Đến ngày chuyển nhà bạn ấy mang cả đống đồ đạc đến cửa, gọi cho đại lý lấy chìa khóa thì đại lý bảo, mày từ chối rồi nên tao đã cho đứa khác thuê, tao giữ 2 tuần tiền đặt cọc của mày làm phí xử lý hồ sơ L.
Sau khi xác định sẽ thuê nhà đó, bạn nộp đủ tiền bond và tiền nhà 2 tuần, ký hợp đồng và chuẩn bị chuyển vào là xong. Hiện giờ các điều khoản của hợp đồng là các điều khoản tiêu chuẩn, nhưng nếu cẩn thận trước khi ký bạn mang hợp đồng thuê nhà đến housing service của trường nhờ họ đọc và rà soát miễn phí nhé!
4. Một số lưu ý để thuê nhà an toàn
Tuyệt đối không đồng ý thuê phòng/nhà khi bạn chưa xem rõ điều kiện như thế nào. Không thế vào hợp đồng của người khác khi không có bản báo cáo về điều kiện nhà tại thời điểm bạn nhận nhà (vì nếu làm như vậy bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với những hỏng hóc, thiệt hại nhà do người ở trước để lại cùng với mọi khoản phí vệ sinh, làm thảm của họ). Tuyệt đối không nhận lời ở thế cho một người thuê phòng và trả tiền bond cho họ để họ chuyển ra thay vì trả cho đại lý/chủ nhà. Lý do là bạn trả tiền bond đầy đủ cho người đó, nhưng trên thực tế khoản tiền bond luôn bị trừ đi các khoản như giặt thảm, làm vệ sinh, các thiệt hại trong phòng. Bạn trả tiền bond đầy đủ cho họ để họ chuyển đi thì coi như bạn đã trả cho họ các khoản chi phí này. Chưa kể đa số chủ nhà sẽ nhận ra bạn là người mới, và họ sẽ yêu cầu bạn nộp tiền bond của bạn, như vậy bạn sẽ phải nộp bond 2 lần. Bạn nên nhớ không có bất cứ khoản tiền bond nào được hoàn trả 100% cho người thuê nhà vì kể cả bạn không gây thiệt hại gì trong quá trình ở, bạn vẫn có trách nhiệm với các khoản như làm sạch thảm chuyên nghiệp, lau dọn chuyên nghiệp sau khi bạn chuyển ra khỏi phòng/nhà.
Có tình trạng lừa đảo (scam) sinh viên rất phổ biến như sau: Một số đối tượng đăng quảng cáo các nhà, sau đó khi các bạn muốn xem nhà, họ đưa các bạn chạy qua ngôi nhà đó hoặc chỉ đứng từ ngoài nhìn vào với lý do là người đang thuê nhà hiện thời rất khó tính, không cho vào xem, và giục bạn đặt tiền cọc (bond) nếu không nhà sẽ được dành cho người khác thuê. Với những trường hợp như này gần như 100% là đối tượng lừa đảo bởi vì tất cả mọi người thuê nhà trước khi chuyển đi 2 tuần đều có nghĩa vụ phải cho agent/chủ nhà đưa người thuê nhà mới vào xem nhà (vào một thời điểm nhất định 2 bên thỏa thuận). Nếu bạn nộp tiền cọc cho đối tượng trên xong họ sẽ biến mất, điện thoại không liên lạc được và khi bạn vào các ngôi nhà trên hỏi thì đó chỉ là một ngôi nhà bình thường chủ nhà đang sống, không có việc cho thuê hay đăng quảng cáo gì. Chỉ đặt cọc thuê nhà khi các bạn đã được vào tận nơi xem nhà cửa đàng hoàng, và khi đặt cọc phải có biên nhận của người nhận kèm ID (ở Úc thường là bằng lái xe hoặc passport).
Tiền đặt cọc nên thống nhất gửi đến Department of Commerce (một bên thứ 3 giữ tiền đặt cọc) không nên để cho chủ nhà hoặc agent giữ trừ trường hợp đặc biệt (ví dụ bạn ở trông nhà giúp một người thân/người bạn với giá rất rẻ). Đến khi trả nhà hai bên dễ thống nhất với nhau về tiền đặt cọc.
Chỉ nộp hồ sơ vào những nhà bạn thực sự muốn ở và có đủ khả năng chi trả, bởi thuê nhà là một ràng buộc về pháp lý và tài chính cao. Không cùng lúc apply nhiều nhà bởi nếu bạn được chọn mà bạn từ chối, bạn sẽ mất khoản tiền đặt cọc như mình nói ở trên.
Gia đình có con nhỏ thường khó thuê nhà hơn các cặp vợ chồng chưa có con hoặc người độc thân. Lý do rất đơn giản là trẻ nhỏ dễ gây ra những thiệt hại đến nhà như vẽ lên tường chẳng hạn (mà tiền sơn tường ở Úc rất đắt, có thể lên đến gần chục nghìn đô nếu phải sơn lại cả nhà). Vì vậy nếu con bạn chưa sang thì cứ khai là chỉ có người lớn ở, và sau này khi con sang thì báo với agent là con bạn mới sang, lúc đó agent cũng không thể đuổi bạn ra khỏi nhà với lý do có trẻ em.
Nếu bạn bị từ chối thì cũng không được nản chí bởi vì thực ra sinh viên rất khó cạnh tranh với dân Úc có công việc toàn thời gian ổn định, lương cao. Không được nhà này thì bạn hỏi agent về nguyên nhân để củng cố hồ sơ và nộp hồ sơ nhà khác. Nếu bạn có con nhỏ, hoặc bạn nộp hồ sơ vào thời kỳ cao điểm, khó thuê được nhà (khi đi xem nhà vào open day bạn để ý đến số lượng người đến xem – nếu người đến xem đông thì bạn cũng biết mức độ cạnh tranh cao) và bạn thực sự cần nhà để ở gấp thì có một cách là bạn offer giá thuê cao hơn giá họ đưa ra khoảng $5-%10/tuần thì gần như chắc chắn 100% bạn sẽ thuê được cái nhà đó.
Mặc dù hợp đồng là cố định theo mẫu, nhưng bạn vẫn có thể thương lượng một số điều với chủ nhà trước khi ký hợp đồng, ví dụ tiền kết nối điện, nước, gas, internet, negotiate về việc cho thêm người ở (ví dụ người thân từ Việt Nam sang) qua email với đại lý/chủ nhà trước khi ký hợp đồng. Trong giai đoạn negotiate trước khi ký hợp đồng, đôi khi chủ nhà cũng dễ tính và sẵn sàng chi trả một số khoản tiền nhỏ (ví dụ tiền kết nối các dịch vụ trên). Nếu họ đồng ý bằng văn bản với những việc trên thì về sau bạn sẽ dễ dàng làm việc với họ hơn.
Riêng với các bạn quyết định ở ký túc xá, nếu quyết định ở ký túc xá thì bạn phải nộp đơn xin càng sớm càng tốt vì chỗ trong ký túc xá có hạn, sinh viên lại đông. Cứ nộp đơn xin càng sớm càng tốt vì họ theo nguyên tắc “first come first serve”. Nếu cần thỉnh thoảng viết thư nhắc để họ biết bạn cần nhà ở khẩn cấp thì khả năng được ở sẽ cao hơn.